Người Mỹ thích kết hôn dị chủng


2012-02-28

Một nghiên cứu mới đây của viện Pew ở Hoa Kỳ cho thấy những đám cưới dị chủng đã gia tăng tại Mỹ trong những năm vừa qua, cho thấy những thay đổi trong quan điểm của người Mỹ về vấn đề chủng tộc.

AFP photo

Ảnh minh họa một cặp đôi dị chủng

Đa văn hóa

Chỉ trong vòng 30 năm trở lại đây, nước Mỹ đã chứng kiến gần 5 triệu cặp vợ chồng khác chủng tộc kết hôn, tăng gần gấp đôi so với hồi năm 1980. Tức là cứ 12 đám cưới tại Mỹ thì có một đám cưới dị chủng, trong khi con số này là 1/30 vào năm 1980.

Cô Wendy Wang, tiến sĩ xã hội học, tác giả bản nghiên cứu của viện Pew cho biết nguyên nhân dẫn đến thay đổi này như sau:

“Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy nguyên nhân dẫn đến xu hướng này là một tổng hợp của nhiều yếu tố, bao gồm việc gia tăng người nhập cư vào Mỹ trong hơn thập kỷ qua, thêm vào đó là thay đổi về quan niệm và thái độ của người Mỹ đối với các đám cưới dị chủng. Các số liệu nghiên cứu của chúng tôi cho thấy hơn 2/3 số người Mỹ cho rằng họ thấy không có vấn đề gì nếu có ai đó trong gia đình lấy một người thuộc chủng tộc khác. Có hơn 1/3 số người Mỹ được hỏi nói rằng trong gia đình họ có người lấy người thuộc chủng tộc khác.”

Cho đến trước năm 1967, tức là trước khi tòa án tối cao Hoa Kỳ cấm mọi hạn chế đối với những đám cưới khác chủng tộc, việc kết hôn giữa người da trắng với những người thuộc các chủng tộc khác không được cho phép tại các bang của nước Mỹ. Đến năm 2000, tiểu bang Alabama là tiểu bang cuối cùng của nước Mỹ chính thức dỡ bỏ lệnh cấm kết hôn dị chủng.

Mình có học về xã hội học thì biết là trong hoàn cảnh toàn cầu hóa, con
người có dịp gặp gỡ nhau rất nhiều thì có những trao đổi văn hóa, và
bây giờ người ta rất ủng hộ đa văn hóa.

Chị Trang Đài, California

Những con số thống kê gần đây tại nước Mỹ cũng cho thấy kể từ khi nước Mỹ bỏ quota người nhập cư vào năm 1965, số người nhập cư vào Mỹ đã tăng gấp 4 lần, từ hơn 9 triệu rưỡi người vào năm 1970 lên 38 triệu người vào năm 2007. Các nước có dân nhập cư vào Mỹ đông nhất là Mexico, Ấn độ, Philippines, và Trung Quốc. Dân nhập cư đông cũng tạo cơ hội cho các đám cưới dị chủng nở rộ tại Mỹ. 

Chị Trang Đài, một người Mỹ, gốc Việt, hiện đang sống ở tiểu bang California, có chồng là một người da trắng nói:

“Mình có học về xã hội học thì biết là trong hoàn cảnh toàn cầu hóa, con người có dịp gặp gỡ nhau rất nhiều thì có những trao đổi văn hóa, và bây giờ người ta rất ủng hộ đa văn hóa.”

Bản thân chị Trang Đài cũng mới nhập cư vào Mỹ năm 1994. Cho đến trước khi lấy chồng, chị chưa bao giờ từng nghĩ mình sẽ lấy một người khác chủng tộc bởi phần lớn các sinh họat của chị là trong cộng đồng người Việt. Nơi chị sống ở tiểu bang California cũng là nơi có rất đông người Việt sinh sống. Chị quen chồng tương lai của mình khi đang theo học tại trường đại học Standford và họ đã kết hôn cách nay 4 năm.

Nghiên cứu mới của viện Pew cũng cho thấy trong số các cặp kết hôn dị chủng tại Mỹ, thì người thuộc sắc dân Mexico và châu Á là những người dễ có các đám cưới với người khác chủng tộc nhất.

Nhiều thách thức

Chị Trang Đài cho rằng, khi mới sang Mỹ, chị không thấy nhiều người Việt kết hôn với những người thuộc chủng tộc khác nhưng bây giờ tình hình đã khác. Theo chị thì khi người ta tìm hiểu nhau, điều quan trọng không phải là chủng tộc mà là sự tâm đầu ý hợp giữa hai người.

“Không phải là cùng một sắc tộc thì vợ chồng hòa hợp hơn với nhau, cũng không hẳn vậy. Với vợ chồng Trang Đài, dù khác văn hóa, ngôn ngữ, nhưng cũng có những tương đồng như cả hai đứa đều yêu đọc sách, có những điểm nhỏ như vậy mà tạo sự gắn bó rất lớn. Hoặc mình yêu thơ, thì khi anh đọc thơ, thì mình đã bị dụ rồi. Trong khi một người Việt Nam khác mà nếu không yêu thơ thì nếu có muốn chinh phục Trang Đài thì chắc cũng khó.”

Tuy nhiên, điểm đáng chú ý trong nghiên cứu mới của Pew là tỷ lệ ly hôn trong những cặp vợ chồng dị chủng dường như có hơi cao hơn so với những cặp vợ chồng cùng chủng tộc, mặc dù nếu nhìn vào từng nhóm dân thì tỷ lệ này có thể hơi khác. Cô Wendy Wang giải thích:

“Nhìn chung, những đôi dị chủng có tỷ lệ ly hôn hoặc ly thân hơi cao hơn một chút so với các đôi khác. Nhưng điều này còn phụ thuộc vào từng đôi, và có nhiều yếu tố khác nữa. Nghiên cứu của chúng tôi khi xem xét từng nhóm cụ thể thì có những nhóm tỷ lệ ly hôn không hề cao hơn so với những đôi kết hôn cùng chủng tộc.

Nghiên cứu cho thấy sau 10 năm kết hôn thì các đôi dị chủng thường có nguy cơ ly hôn cao hơn một chút trong nhóm vợ da trắng và chồng không phải da trắng, so với nhóm cả hai vợ chồng cùng da trắng. Nhưng chúng tôi thấy tỷ lệ này thấp hơn ở nhóm chồng da trắng và vợ không phải da trắng.”

Theo Trang Đài, để một hôn nhân đi đến thăng hoa, hoàn hảo, thì hai bên phải thông cảm, tôn trọng văn hóa của người kia.

Chị Trang Đài, California

Có nhiều nguyên nhân liên quan đến việc những cặp vợ chồng quyết định ly hôn, hay sống ly thân. Sự khác biệt về văn hóa cũng có thể coi là một trong những thách thức mà các cặp vợ chồng dị chủng phải đối mặt. Chị Trang Đài cho rằng thách thức này không phải là quá khó để vượt qua.

“Thách thức nhiều lắm. Mình là người Việt, mình lấy người Việt mà mình sống ở Mỹ thì chuyện giữ gìn tiếng Việt, văn hóa Việt đã khó rồi. Giờ mình có hôn nhân dị chủng và có một đứa con lai nữa. Khi mình cưới một người không phải người Việt, thì mình cũng ý thức được là mình phải giữ văn hóa của mình. Cái thứ hai là làm sao mình cũng gây dựng được vốn văn hóa Việt cho người bạn đời của mình. Theo Trang Đài, để một hôn nhân đi đến thăng hoa, hoàn hảo, thì hai bên phải thông cảm, tôn trọng văn hóa của người kia.”

Dấu hiệu tích cực

Nghiên cứu mới của Pew cũng cho thấy sự khác biệt về trình độ văn hóa giữa các nhóm kết hôn dị chủng. Cô Wendy Wang cho biết:

045_IE180-014-200.jpg
Một cặp đội dị chủng trên bãi biển. AFP photo

“Về trình độ học vấn, trong số những đôi mới cưới trong các năm từ 2008 đến 2010, thì các cặp chồng da trắng và vợ châu Á thường có trình độ học vấn cao hơn các nhóm khác, cao hơn cả  hai vợ chồng là da trắng. Hơn 50% chồng da trắng lấy vợ châu Á có bằng từ đại học trở lên, so với 1/3 trong số các cặp hai vợ chồng cùng da trắng. Nguyên nhân có thể là vì người châu Á có tỷ lệ bằng đại học cao hơn các nhóm khác. Trong số liệu nghiên cứu chúng tôi thấy hơn 50% các đôi trong nhóm này có cả vợ và chồng đều có bằng đại học trở lên.”

Khi xét đến vấn đề thu nhập của các nhóm kết hôn dị chủng, nghiên cứu của Pew cho thấy các cặp vợ chồng có chồng là người châu Á và vợ là người da trắng có thu nhập trung bình cao nhất trong giai đoạn từ 2008 đến 2010 ở mức 71,800 đô la một năm. Trong khi đó các cặp vợ chồng mới cưới có chồng là người da trắng, và vợ là người da đen, châu Á hoặc Nam Mỹ có thu nhập cao hơn so với các cặp vợ chồng da trắng mới cưới. Đối với các cặp vợ chồng mà vợ là người da trắng và chồng là người da đen hoặc Nam Mỹ thì thu nhập thấp hơn rất nhiều so với các cặp có vợ da trắng và chồng là người châu Á.

Phần lớn các cặp vợ chồng dị chủng sống ở các tiểu bang miền Tây nước Mỹ.

Có đến 43% người Mỹ được hỏi cho rằng thay đổi này sẽ tốt hơn cho xã hội Mỹ sau này trong khi chỉ có 11% nói rằng những đám cưới dị chủng không tốt cho nước Mỹ. Phần lớn những người trẻ tuổi của nước Mỹ và sống ở các bang miền Tây hoặc Đông Bắc nước Mỹ nơi có nhiều cuộc hôn nhân dị chủng, đều cho rằng thay đổi này là một dấu hiệu tích cực của nước Mỹ sau này.

Mọi thư từ đóng góp ý kiến cho chương trình, xin quý vị gửi về http://www.facebook/VietHaRFA hoặc email về địa chỉ vietha@rfa.org

Bình luận về bài viết này