Đờn ca tài tử là nghệ thuật nhân gian xuất phát từ thời xa xưa ở Nam Kỳ Lục Tỉnh, và càng về sau càng tỏa rộng ra hầu hết các tỉnh miền Tây miền Đông Nam Việt. Đến giữa thập niên 1950 đờn ca tài tử có mặt ở các tỉnh miền Trung và vùng Cao Nguyên Trung Phần, mà lớn mạnh nhứt là ở Ban Mê Thuột.
Người miền Tây đi làm ăn xa đã mang theo môn nhạc từng gắn liền với cuộc sống của họ, và khi đặt chân đến nơi nào là đờn ca tài tử xuất hiện tại đó, đã vô tình lôi cuốn người mộ điệu ở các địa phương tham gia góp phần làm mạnh mẽ thêm cho nghệ thuật độc đáo này. Đờn ca tài tử cũng theo chân người Việt sang xứ Chùa Tháp, do bởi người dân Lục Tỉnh qua đất Miên làm ăn lập nghiệp từ mấy thế hệ trước. Nỗi buồn xa xứ, họ giải sầu với điệu đàn tiếng hát mang từ quê hương sang, thành thử ra không khí các buổi sinh hoạt đờn ca tài tử ở bên Miên đối với họ chẳng khác gì bên nhà.
Một năm trước đây (ngày 5 – 12 – 2013) nghệ thuật đờn ca tài tử được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, đã đưa nghệ thuật dân gian này trở nên một tầm vóc lớn lao.
Trước sự kiện tốt đẹp này, đối với tôi, một người từng tham gia đờn ca tài tử từ giữa thập niên 1950 đến nay, tôi cảm thấy phấn khởi hân hoan, và nghĩ rằng mấy chục năm theo dõi tìm hiểu cổ nhạc của tôi đã không uổng.
Cách đây 3 năm trên tờ báo Người Việt Xuân Nhâm Thìn 2012 tôi có viết bài “Còn Người Miền Nam Là Còn Đờn Ca Tài Tử”. Cái tên tựa bài viết cũng đã nói lên đờn ca tài tử liên quan mật thiết, và đồng hành gắn bó với người miền Nam. Đồng thời tôi cũng nói: “Dù cho cải lương có chết, đờn ca tài tử vẫn sống, và sống mạnh nữa là đằng khác”. Bài viết được đăng 2 năm trước ngày môn nhạc được UNESCO công nhận.
Quý vị có thể đọc thêm chi tiết bằng cách vào đường link của trang nhà RFA dưới đây:
http://www.rfa.org/vietnamese/programs/TraditionalMusic/traditional-music-0117-nm-01162015213808.html
Nếu quý vị bên VN, không thể vào được, xin quý vị vào địa chỉ “chauatudo.info”, hoặc “achautudo.info” rồi nhập đường link trang web của ban việt ngữ vào.