Danh mục lưu trữ: GÓC NHÌN CỦA MẶC LÂM
Tản mạn ngày Tám tháng Ba
Ngày Quốc tế phụ nữ đang đến rất gần. Ở đâu đó trên các con phố, người ta bày bán các loại hàng từ truyền thống đến hiện đại.
Mua và nghĩ đến quà tặng còn lan sang cả những vùng quê, làm bừng lên không khí của ngày lễ đặc biệt này.
Thế nhưng không phải quà tặng nào cũng chứa đựng trong đó tâm tình chân thành của người tặng.
Trần Mộng Tú và tuyển tập “Thơ Tuyển Bốn Mươi Năm1969-2009”
Mặc Lâm, phóng viên RFA
2010-12-04
Nhà thơ Trần Mộng Tú là khuôn mặt quen thuộc của giới thưởng ngoạn thơ hải ngoại từ đầu những thập niên 80 khi bà vừa đặt chân đến Mỹ với tư cách một người tỵ nạn.

Trần Mộng Tú là tác giả của
nhiều tập thơ và người đọc thơ bà nhanh chóng tăng theo thời gian kể từ khi những
trang thơ đầu tiên xuất hiện trong cộng đồng hải ngoại.
Thơ của bà chủ yếu là thơ
tình, nhưng đây là những bài thơ tình khó tìm trong tủ sách các nhà thơ nữ của
thời cận đại. Thơ của Trần Mộng Tú thả lỏng ngôn ngữ để chúng có thể buông mình
rơi tự do xuống khoảng trống suy tưởng và thăng hoa thành thứ tinh chất kết
dính bài thơ với người đọc chúng.
“Tôi rời Việt Nam vào
ngày 2 tháng Tư năm 1975 do hãng thông tấn AP nơi tôi làm việc tại Việt Nam đưa
tôi và gia đình ra đi. Lúc đó tôi còn độc thân họ thu xếp cho tôi và bố mẹ đi với
nhau.
Sang Mỹ năm 1975 coi
như tôi làm tờ báo đầu tiên là Quê Hương xuất bản. Mấy người tham gia đầu tiên
gồm có Du Tử Lê, Trần Mộng Tú, Hoàng Khởi Phong, Hoàng Chính Nghĩa và một vài
người nữa làm tờ bào đó chung với nhau.
Tôi bắt đầu đem những
bài thơ của mình ra đăng từ năm 1975, mặc dù trước đó tôi cũng có làm thơ nhưng
chưa bao giờ đăng báo vì tôi thấy không có nhu cầu cần đăng báo. Sang tới Mỹ thấy
tiếng Việt ngày càng hiếm hoi, thấy anh em gia nhập vào báo chí tôi tham gia
theo và từ đó tôi làm rất nhiều thơ về quê hương.”
Hôm nay chúng tôi xin được
giới thiệu tới quý thính giả tập “Thơ
Tuyển Bốn Mươi Năm1969-2009” của Trần Mộng Tú, một trong nhiều tác phẩm của bà
đã được in ra tại Hoa Kỳ.
Mặc
dù tác giả cho rằng tập thơ này không nhất thiết chứa đựng những bài thơ hay nhất
của mình, nhưng ít ra cũng tập trung hầu hết những bài thơ quan trọng của từng
chặng thời gian qua suốt bốn mươi năm sáng tác.
Hãy tưởng tượng ra em
ở một căn nhà lạ
mình em một ngôn ngữ
mình em một màu da
mình em một màu mắt
mình em một lệ nhòa
Hãy tưởng tượng ra em
ở nơi không định tới
em tủi như chim khuyên
khóc trong lồng son mới
Hãy tưởng tượng ra em
ở một thành phố khác
em buồn như nước sông
khóc chia dòng tan tác
Bài thơ quý vị vừa nghe được
Trần Mộng Tú sáng tác vào tháng 7/1975, ba tháng sau khi Trần Mộng Tú đặt chân
xuống Mỹ. Thành phố tạm dung bà và gia đình dường như cũng thở dài cho cái không
khí thê lương trong tâm hồn nhà thơ lúc ấy.
Cũng những tiếng than khô
không lệ nhưng những giòng thơ của bà nghe ra có thấp thoáng hơi hám của mùa
xuân lấp ló trong tiếng thở dài của buổi ban đầu ngỡ ngàng nơi xứ lạ. Con chim
khuyên trong lồng có thể đang khóc, đang tủi bởi màu sơn son cộng với thếp vàng
chóa ngời đôi mắt, nhưng con chim họ Trần ý thức rất rõ chiếc lồng hẹp này chỉ
là giai đoạn ban đầu, giai đoạn rét mướt trước khi mùa Xuân tới.
Bài thơ nổi tiếng của bà
mang tên “Cả một dòng sông đứng lại chờ” có không khí của giòng nhạc thính
phòng những năm đầu thập niên 60. Vần bằng đều đặn ở cuối mỗi câu thơ khiến người
đọc liên tưởng tiếng vọng của những bản thánh ca buồn vào cuối ngày Chúa Nhật.
Lễ Misa nào thống thiết trong nỗi nhớ của nhà thơ, nhớ từng hơi ấm làn da, nhớ
mài miệt từng hơi thuốc thơm vàng tay cháy môi thơm phức.
Tôi xa người nắng buồn
trên vai
môi tôi mùi thuốc còn thơm hơi
người xa tôi một dòng sông trắng
dãy núi bên kia có ngậm ngùi
Tôi xa người hàng cây bâng khuâng
nước dâng chiều xuống nhớ muôn trùng
người xa tôi có còn đứng ngóng
một cánh chim bay ở cuối rừng
Nỗi buồn đeo bám Trần Mộng
Tú dai dẳng nơi xứ người, cho dù khi đã lấy chồng, đã bước ra đường với một cái
họ mới, họ của nhà chồng. Nhà thơ thấm thía nỗi nhớ nhà, nhớ người, nhớ từng cọng
rơm sợi tóc, cái nhớ mà người Việt trong những năm 80 vẫn canh cánh như Trần Mộng
Tú. Bà không nhớ một mình, nhưng cái nhớ của bà khác người, thật khác.
Tôi ở quê chồng xa xăm
quá
cách quê cha cả một đại
dương
mỗi độ xuân về tôi ngơ
ngác
như con ngựa trận mất
yên cương
Mỗi độ xuân về tôi nhớ
lắm
những ngày xuân cũ trên
quê hương
nhớ người tình cũ, ngôi
chùa cũ
hoa mẫu đơn nở đỏ bên
tường
Bài thơ “Tôi buồn như một
nốt dương cầm” được bà viết năm 1984 thật sự là một tiếng ngân nhẹ nhưng thăm
thẳm của nỗi buồn. Mùa Xuân đến một lần nữa nhưng Mùa Xuân khoác lên vai chiếc
áo khác với chiếc áo Trần Mộng Tú quen biết từ nhiều chục năm trước. Ngôi nhà
chơ vơ lạnh và trống vắng. Các con tung tăng đến trường trong khi bà đứng một
mình, buồn như một con chim đuối sức.
Có thật mùa xuân đã đến
đây
sao lòng tôi không đổi
mới
sáng nay đưa con đi học
các con vẫn mặc đồng phục
và trong túi thì không
có một phong bao
tôi trở về,
buồn như một con chim
con chim bay về từ
phương nam
không tìm thấy tổ
Ngôi nhà cũng cô đơn
đứng chơ vơ
trên ngọn đồi ngập gió
những cánh đồng cửa sổ
đóng im
trên bàn
một bài thơ viết dở…
một chuyện tình cố quên
Chuỗi buồn phiền cứ đeo đuổi
bà trong suốt nhiều chục năm tại xứ người. Buồn là âm thanh của mọi bài thơ
trong tuyển tập. Buồn từ động tác, từng hơi thở và từng hành động thường nhật.
Cái buồn của Trần Mộng Tú không phải ai cũng được gặp. Nó miên man và bất ngờ.
Nó không lộ ra nhưng ăn mòn ký ức. Nỗi buồn của sự chết và hơn thế nữa, nỗi buồn
như những vết cắt, cào xước tâm hồn.
Đốm nhang cháy đỏ như
quầng mắt
khói có bay về tận cố
hương
vườn người, tôi chiết
cành xuân thắm
nhớ quê vết cắt trượt
xuống hồn.

Mùa
Xuân đối với Trần Mộng Tú hình như đã qua và không trở lại nhưng tháng Giêng
thì vẫn rất quê nhà trong tâm trí bà. Tháng Giêng xuất hiện lại qua lăng kính
trời Tây với những đứt khúc trí nhớ. Vườn sau nhà, khung cửa vắng và mùa Xuân ướt
sũng…những tập hợp hình ảnh này làm thơ bà hình tượng hơn nhưng vẫn không mất
nét lãng mạn của một cơn bão tháng Giêng, bão rất nhẹ nhưng đủ làm cho ai đó
trăn trở, nhớ thao thiết một khung trời, một sắc lá.
Vườn tôi gầy quá hoa không nở
mưa ở nơi đây ướt sũng xuân
những cành thông gẫy ôm đầy gió
khung cửa nhà ai nhận vết thương
Mưa gió đuổi nhau qua thớ gỗ
que diêm xòe thảng thốt trong đêm
nến như mắt bão trừng bóng tối
một mảnh tháng Giêng vỡ bên thềm
Nỗi buồn nào rồi thì cũng
phai, vết thương nào rồi cũng tới ngày lành. Thế nhưng bài thơ mang tên “Vết
thương” xem ra rất khó lành. Nhà thơ ngập ngừng lắm mới mở được lòng ra thăm dò
vết thương năm cũ, mà chao ơi, vết thương tuy đã kéo da non nhưng không có dấu
hiệu nào cho thấy nó sẽ lành lặn. Nó vẫn đau phía bên trong. Vẫn cần được thăm
nom trong những ngày tháng tới.
Được sáng tác vào năm 1991
bài thơ “Vết thương” báo hiệu với chính nhà thơ về sự cạn kiệt dần quỹ thời
gian trên hai khóe mắt. Quê nhà vẫn xa xa chơi trò cút bắt trong khi người yêu
nay đã kiệt cùng nỗi nhớ. Bài thơ nhẹ nhàng nhưng cay đắng chen lẫn mỏi mệt của
tháng ngày chồng chất:
Anh ạ! Tháng Tư mềm nắng
lụa
hoa táo hoa lê nở trắng
vườn
quê nhà hun hút sau
trùng núi
em mở lòng xem lại vết
thương
Năm tháng qua mau quên
đếm tuổi
trong gương mắt đã rạn
chân chim
em nhuộm nỗi buồn như
nhuộm tóc
vết thương đóng vảy
nhói trong tim
Anh ạ! Tháng Tư sương mỏng
lắm
sao em nhìn mãi chẳng
thấy quê
hay sương thành lệ tra
vào mắt
mờ khuất trong em mọi
ngã về.
“Sương mỏng nhưng sao
nhìn mãi chẳng thấy quê!”
Câu thơ nhẹ mà đau như dao
cắt.
Em ở nơi này mười bảy
năm
có khi cất tiếng gọi
dòng sông
có lúc bóng chùng lên
bóng núi
sao núi sông vẫn đỗi lạ
lùng
Nắng hạ cũng vàng thêu
áo lụa
chẳng ai níu vạt tặng
câu thơ
chữ hiếu như kim chìm
đáy biển
chữ tình gió thổi đến
xác xơ
Em ở nơi này mười bảy
năm
buông vào nhật nguyệt nắm
tuổi xuân
cầm như thả tuyết vào
lò sưởi
những cánh hoa tan dưới
lửa hồng
Tóc đã sợi đen chen sợi
trắng
mắt cười đã lụn bấc đam
mê
người vẫn từ quê ngơ
ngác đến
ngượng môi không dám nhắc…chuyện
về
Cảm tác bài thơ “Ta về”của
Tô Thùy Yên, Trần Mộng Tú ghi lại những nốt trầm của 17 năm xa xứ. Bài thơ “17
năm 17 đoạn thơ” mà chúng ta vừa nghe man mác cái tứ của thất ngôn, thể loại
thơ gần với “hành”, với gươm cùn, với ngựa mỏi…Người đọc chia sẻ không khí cổ
xưa trong bài thơ qua những từ rất cũ như chữ hiếu, chữ tình, cầm như…thế nhưng
toàn bài thơ lại toát lên cái tứ rất mới, rất đa nghĩa và nhất là mang đậm nỗi
nhớ tươi roi rói nhưng đôi khi ngơ ngác đến tội nghiệp.
Không phải lúc nào Trần Mộng
Tú cũng cứng cỏi, mạnh mẽ của thất ngôn, bà sử dụng lục bát cũng bén và đa chiều
đến bất ngờ. Chỉ với bốn câu trong bài “Mưa Seattle”, Trần Mộng Tú đã dẫn dụ
người đọc đứng trước cái mênh mông của một sợi tóc mỏng manh:
Sáng nay ra phố gội đầu
giọt mưa sợi tóc ôm nhau khóc òa
cong tay hứng hạt mưa sa
mưa giăng mắt lưới xóa nhòa chỉ tay
Mưa
và tóc, hai hình tượng nhạt nhòa trong bốn câu thơ trên gây cảm giác người phát
hiện ra chúng đang tan dần vào số phận, vào định mệnh, vào những đường chỉ tay
đầy bất trắc…
Những bài thơ cuối trong Tập
Thơ Tuyển Bốn Mươi Năm 1969-2009 của
Trần Mộng Tú được lật sang trang của những năm hai ngàn, những
năm đầu trong thiên niên kỷ mới. Và, nhà thơ, cũng như mọi người khác, hăm hở bắt
đầu bằng hy vọng. Qua bài “Nhìn Nhau Rất Xa” bà viết:
Sáng đầu năm hồn em chắp cánh
bay lơ mơ vào một kỷ nguyên
dĩ vãng như bức tường trong suốt
bụi hôm qua rũ lại bên thềm
Em giấu em ở trong hạt gạo
nằm rất ngoan giữa những chân nhang
đợi tiếng giầy anh chạm bực cửa
về chia nhau một thế kỷ tàn
Đóa thủy tiên của ngày rất mới
đang quay đầu nhìn thế kỷ qua
những viên sỏi đã thành cổ tích
anh và em nhìn nhau rất xa
Và một hôm bà trở về nhà.
Việc đầu tiên là nhà thơ
chia sẻ cái hạnh phúc mà bà có cho người yêu. Cái mà nhà thơ muốn chia trong
bài thơ là một chút thân ái mà bà đánh mất nhiều năm, hôm nay gặp lại bà viết
Trong bài “Chia nhau Hà Nội”:
Em gửi cho anh
chiếc lá bàng cuối thu
Hà Nội
hồi chuông giáo đường
buổi sớm tinh mơ
góc phố Nhà Chung có bầy
sẻ nhỏ
một con rất gầy
đứng hót ngu ngơ
Em gửi cho anh
ly cà phê buổi tối
mùi ngô non
nướng dưới cột đèn
mảnh than nhỏ sưởi mùa
thu
sắp hết
hơ gót chân ai
hồng giữa phố đêm
Em gửi cho anh
chiếc kiềng bạc trạm
đang khoe mình
làm mới phố Hàng Gai
ảnh mẹ chụp mấy mươi
năm về trước
cổ có đeo
một chiếc giống thế này
Em gửi cho anh
đất trời Hà nội
để anh nhớ về thành phố
tuổi thơ
nơi hạnh phúc là một
viên kẹo bột
được bạn chia cho trong
một lúc.
Ai là người may mắn này?
Không biết! có thể là “anh” của Sài Gòn người trước khi chia tay. Có thể là
“anh” của chốn dung thân, người từ bên kia bờ đại dương ngóng theo bước chân bà
trong những ngày vacation ngắn ngủi. “Anh” cũng có thể là tiềm thức, là nhớ
nhung là trăn trở và tại sao không, những mất mát cần tìm…
Quý vị vừa theo dõi một
vài tác phẩm của nhà thơ Trần Mộng Tú trong tuyển tập “Thơ Tuyển Bốn Mươi Năm1969-2009”. Hy vọng qua những
bài thơ này, quý vị sẽ tìm thấy đôi điều đồng cảm vói nhà thơ, người luôn chăm
chút nỗi buồn có tên “quê hương” nỗi buồn mà ai trong chúng ta cũng đã ít nhiều
kinh nghiệm….
Tạ ơn quê nhà….
Em viết thư, chúc anh một mùa ThanksGiving hạnh phúc và ấm áp. Anh xin nhận và trước khi chúc lại em điều gì đó, anh xin một phút được trầm tư một mình. Trầm tư để buộc trí nhớ tập trung vào một vùng trũng để có thể nhặt ra vài ký ức trước khi viết cho em.
Như vậy là đã hơn hai mươi năm anh biết Lễ Tạ Ơn nơi xứ người. Hai mươi mùa lễ đọng lại trong anh những gì? Nhiều lắm em ạ, nhưng cái lấp lánh nhất trong anh là không khí gia đình, là suy niệm về những câu chuyện của mùa lễ và nhất là tình thần “tạ ơn” của người bản xứ đã hòa vào anh như thế nào.
Còn nhớ những ngày đầu, người sponsor dẫn anh tới một ngôi nhà rộng lớn, nơi đây tập trung hơn trăm người đủ mọi sắc dân. Thức ăn nấu sẵn với gà tây nướng, rượu vang đỏ, bánh bí rợ cũng như những thức ăn của nước Mỹ mà khi ấy anh không có một chút khái niệm nào.
Người ta chúc nhau và chúc cả cho anh, một người di dân vừa đặt chân xuống vùng đất hứa Hoa Kỳ mới hai ngày. Với số vốn tiếng Anh ít ỏi, anh thẹn thùng đứng nhìn họ nói chuyện mà lòng không ngớt tự hỏi: Họ đang làm gì vậy?
Lễ tạ ơn đối với anh đơn giản và đầy câu hỏi như vậy đấy em. Thế mà lạ thay, hình như tại nước Mỹ này anh thấy việc “tạ ơn” chừng như xảy ra hàng ngày chung quanh anh. Đôi khi ngay một ngã tư đường, nơi có người cơ nhỡ đứng im lặng cầm tấm bảng nhỏ ghi” Food for work” anh lại muốn tạ ơn thương đế vì mình không phải như người cơ nhỡ kia.
Anh lại cảm thấy muốn tạ ơn mỗi khi bước chân vào sở làm, nhiều người chào hỏi anh như một ông chủ nhỏ mặc dù trên anh có ít nhất mười ông chủ khác anh cần phải chào. Lời chào nhẹ nhàng của họ khiến anh nhớ lại mình cũng từng phải chào những cai tù, những trưởng trại , những công an khu vực, thậm chí cả cái anh du kích nhỏ và xanh như cây sậy trong xóm.
Hai cái chào khác nhau này đã giúp anh hiểu rõ hơn hai tiếng tạ ơn. Tạ ơn thượng đế đã cho anh tuy sống trong một xã hội có nghèo có giàu, nhưng anh hãnh diện sống và hãnh diện với những thành quả ít ỏi mà anh tận lực đạt tới. Anh tạ ơn đất nước, con người nơi đây. Anh cũng tạ ơn ngôi trường mà anh tốt nghiệp khi đã gần tuổi 40.
Nhưng em ạ, anh cũng tạ ơn quê hương của mình nữa.
Đi xa, mỗi lần nhớ quê, anh lại thấy như máu trong tim nóng hơn một chút. Anh mừng vì vẫn còn có nơi để mà nhìn về, để mà hướng tới. Mỗi lần nghĩ về quê, thường thì hình ảnh của thơ dại tràn tới, nằm đấy và cựa quậy những háo hức của thuở thiếu thời. Rồi tình yêu, rồi bạn bè rồi những ứơc ao niên thiếu. Bao nhiêu điều quê hương đã cho không đủ để anh nói lên lời cảm tạ hay sao?
Tuy nhiên mỗi lần muốn nói lời tạ ơn thì anh lại buồn. Cái buồn nhẹ lắm em ạ, nhưng sao mà nó bâng khuâng, nó thấm thía đến buốt lòng.
Còn biết bao điều anh muốn tạ ơn vì không thể nào làm được. Anh tạ ơn từng gói mì tôm nhỏ nhoi đang nằm trong tay những đứa bé mà con mắt đói đến nỗi không thể liếc ngang. Anh tạ ơn những chú bộ đội run rẩy ôm người già bơi trong dòng nứơc xiết. Anh tạ ơn những chiếc áo cũ ôm chặt người thiếu phụ rách tươm trong buổi chiều nước rút. Còn gì nữa, còn gì nữa, em ơi…
Quê nghèo bây giờ cần nhiều bàn tay đưa ra lắm mà anh thì xa quá tay không vói tới, trong khi lòng cứ ngày một mỏi mòn. Anh xin mượn lời tạ ơn vào dịp lễ này để gửi tới em để em chuyển lại cho những tấm lòng lấp lánh xót thương khi chính họ đôi khi cũng rất cần những xót thương từ người khác.
Tạ ơn cả em nữa, vì em đã nhắc cho anh nhớ một điều rất thật: người ta sống cần phải biết ơn nhau.
Mặc Lâm. Mùa Tạ ơn 2010
Ngày nhà giáo 20-11, nhớ cô giáo Hạnh.
Mặc Lâm, phóng viên RFA
2010-11-20
Ngày 20 tháng 11, trong khi học sinh hớn hở chuẩn bị thăm thầy cô giáo cùng với những chương trình đầy ắp yêu thương… thì đâu đó tại miền Trung, có một cô giáo dạy văn rất giỏi, rất có lòng với học sinh trong suốt nhiều năm lại không hề được ai chính thức nhắc tới. Dù chỉ nhắc tới như một cái thở dài…
Học sinh, với trí óc non nớt và chóng quên, có thể sẽ không hiểu giờ này cô giáo của mình ở đâu, làm gì…nhưng những người cùng trường với cô, trong đó có đồng nghiệp, cấp trên hay các nhà quản lý thì không thể nào quên hình ảnh cô giáo Hạnh.
Vóc người mảnh dẻ, tiếng nói dịu dàng cùng với mắt nhìn trung hậu, cô đã bị buộc phải thôi việc vì khuyên học sinh của mình nên tìm thêm nguồn thông tin từ mạng Internet để bổ xung kiến thức khi học môn văn. Những trang Internet này có tên như Tiền Vệ, Talawas…chứa đầy các thông tin về văn học được nhìn từ nhiều phía. Thế nhưng không may, chúng bị đánh giá là phản động, là chống lại nhà nước…thế là cô giáo Hạnh bị buộc về vườn mặt dù kiến thức và tuổi tác của cô còn một quãng rất dài để đóng góp cho xã hội.
Cô giáo Hạnh có thể đang ngồi cô đơn đâu đó để nhớ học trò mình. Cô có thể thở dài và trên mi mắt lăn tròn vài hạt lệ cho học sinh thân yêu của cô. Cô nhớ chúng như chim nhớ tổ, như hạt mưa nhớ bờ ruộng mật. Nhưng cô không thể khóc vì quyết định của mình, một quyết định mà cô biết chắc sẽ dẫn học trò cô thật sự đến bến bờ tri thức.
Cô bị khai trừ ra khỏi hệ thống giáo dục bởi các dị ứng phản giáo dục. Giáo dục chân chính lặng lẽ thở dài qua quyết định khai trừ cô. Cô lặng lẽ ngồi đâu đó nghiền ngẫm về ngày nhà giáo cùng với ý nghĩa đích thực của nó.
Bên kia bờ đại dương, tôi lặng lẽ ngồi đánh cho cô những dòng này như một tri ân, hoài niệm về công sức lón lao của một người đã bị nhìn khác đi bởi những đôi mắt vô hồn, ghẻ lạnh.
Cô giáo Hạnh, giờ này cô đang làm gì vậy? Không biết phấn trắng có thấm hết những giòng lệ khô nhớ trường nhớ lớp của cô không nhưng tôi chắc rằng học trò cô không ai quên cô đâu. Họ chỉ ham chơi trong thời khắc của thuở thiếu thời nhưng mai mốt khi khôn lớn thì chính sự chịu đựng vô cùng lớn lao của cô sẽ là nguồn lực đẩy họ vào đời, và lúc ấy cô sẽ có rất nhiều ngày 20 tháng 11 đúng nghĩa, hơn hằn các thầy cô giáo khác. Tôi tin như vậy, và cô ạ, đừng buồn….