Danh mục lưu trữ: TẠP CHÍ – ĐỌC BÁO TRONG NƯỚC

Quan tâm nhân sự dù bản chất Đảng không thay đổi

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Đổi mới chính trị không phải là thay đổi chế độ chính trị, thay đổi bản chất của Đảng, bản chất của Nhà nước mà là đổi mới cơ chế chính sách, tổ chức bộ máy…”

Thay đổi luôn gắn với thay đổi về nhân sự?

Tất cả truyền thông báo chí do nhà nước quản lý đều đưa tin về bài phát biểu của người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam trong dịp bế mạc Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 10, tổ chức ở Hà Nội hôm 12/1/2015 vừa qua.

Mặc dù trong 8 ngày họp Hội nghị Trung ương 10 có bàn thảo nhiều vấn đề trọng yếu, đặc biệt lần đầu tiên có việc lấy phiếu tín nhiệm của Trung ương Đảng đối với các Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư…Tuy nhiên cho đến ngày 15/1/2015 vẫn chưa có chi tiết nào được phổ biến trên truyền thông báo chí nhà nước. Tuy vậy dư luận và các mạng xã hội thì xôn xao về những tin ngoài luồng và dự báo các ứng viên vào các chức vụ lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Quốc hội nhiệm kỳ mới.

Nếu như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định bản chất của Đảng và Nhà nước sẽ không thay đổi dù có đổi mới chính trị, thì tại sao dư luận và người dân lại quan tâm tới vấn đề nhân sự lãnh đạo tương lai. TS Nguyễn Quang A, nhà phản biện chính sách độc lập cũng là nhà hoạt động xã hội dân sự ở Hà Nội cho rằng, ý kiến của Tổng Bí thư chỉ phản ánh quan niệm của riêng của nhân vật này mà thôi, còn ý kiến của Đảng Cộng sản Việt Nam như thế nào thì mọi người phải đợi tới đầu năm 2016 thì mới ngã ngũ. TS Nguyễn Quang A nhấn mạnh:

“Nói Đảng Cộng sản Việt Nam không có gì thay đổi cả thì hoàn toàn không đúng. Nó có những sự thay đổi mà thay đổi nhiều nữa là khác và những sự thay đổi ấy luôn luôn gắn với những sự thay đổi về nhân sự… Nếu còn ông Lê Duẩn thì không thể có cuộc đổi mới vừa qua được và những sự phát triển thường gắn với sự ra đi, nhất là gắn với những thách thức của những người cầm quyền có thế lực.”

Quý vị có thể đọc thêm chi tiết bằng cách vào đường link của trang nhà RFA dưới đây:

http://www.rfa.org/vietnamese/programs/ReviewOnlineDomesticPress/domestic-press-review-011615-nn-01162015110154.html
Nếu quý vị bên VN, không thể vào được, xin quý vị vào địa chỉ “chauatudo.info”, hoặc “achautudo.info” rồi nhập đường link trang web của ban việt ngữ vào.

Cảnh giác Trung Quốc vi phạm chủ quyền tiền tệ

Kiến nghị của phía Trung Quốc muốn thanh toán bằng nhân dân tệ tại Việt Nam thay vì đồng USD được báo chí trong nước phản ánh một cách đầy lo ngại.

Nhiều rủi ro

Báo mạng Một Thế Giới ngày 5/1/2015 trích lời TS Lê Đăng Doanh nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng: “Hiệp hội doanh nghiệp Trung Quốc kiến nghị thanh toán bằng Nhân dân tệ trực tiếp tại Việt Nam chính là vi phạm chủ quyền của Việt Nam. Trên đất nước Việt Nam chỉ lưu hành duy nhất một loại tiền là Việt Nam đồng.”

Trong cuộc phỏng vấn của chúng tôi thực hiện tối 8/1/2015 từ Hà Nội  TS Lê Đăng Doanh cho biết, Hiệp hội doanh nghiệp Trung Quốc đã có đề nghị là căn cứ vào số 15 tỷ USD đã dùng nhân dân tệ để thanh toán cho biên mậu ở biên giới Việt Nam và Trung Quốc và Hiệp hội đề nghị là sẽ chính thức hóa sự thanh toán đó. Nhưng không dùng tiền mặt nữa mà thông qua ngân hàng và đề nghị cho ngân hàng Trung Quốc đứng ra làm việc chi trả và thanh toán này. Theo lời ông, Việt Nam có thể xem xét vấn đề này bởi vì là chi trả thanh toán qua ngân hàng, nhưng vấn đề ở đây có mấy giác độ cần phải xem xét hết sức thận trọng, TS Lê Đăng Doanh tiếp lời:

“Một là Việt Nam hiện nay đang nhập siêu rất lớn từ Trung Quốc, nếu bây giờ Việt Nam lại thanh toán bằng đồng nhân dân tệ và bằng nhân dân tệ thì hiện nay Việt Nam chỉ có thể vay và mua của Trung Quốc bằng ngoại tệ mạnh, chứ còn từ các ngân hàng nước ngoài khác chưa có ngân hàng nào sẵn sàng cung ứng nhân dân tệ như một đồng tiền chuyển đổi tự do với một khối lượng lớn như thế. Như vậy các doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải kiếm ra ngoại tệ mạnh rồi lại phải chuyển đổi sang đồng nhân dân tệ và như vậy là thêm một khoản phí nữa cũng như thêm cả rủi ro về tỷ giá giữa đồng Việt Nam và đồng ngoại tệ mạnh, rồi lại thêm rủi ro nữa về quan hệ giữa đồng ngoại tệ mạnh và nhân dân tệ.

Điều thứ hai nữa là Việt Nam bây giờ đã phụ thuộc nhiều về hàng hóa Trung Quốc rồi bây giờ lại phụ thuộc thêm vào tiền tệ của Trung Quốc nữa thì đấy là điều phải xem xét rất là kỹ lưỡng.

Điều thứ ba điều này rất là quan trọng, tức là Trung Quốc thường hay nói một đàng làm một nẻo, luôn luôn nói rất là ngọt ngào tôi sẽ tôn trọng pháp luật sẽ làm đúng. Nhưng nếu để cho ngân hàng Trung Quốc mà kinh doanh đồng nhân dân tệ ở Việt Nam thì ai có thể bảo đảm là kiểm soát chặt chẽ việc phát hành, việc cho vay hoặc thanh toán đồng nhân dân tệ ở Việt Nam được hay không?”

Quý vị có thể đọc thêm chi tiết bằng cách vào đường link của trang nhà RFA dưới đây:

http://www.rfa.org/vietnamese/programs/ReviewOnlineDomesticPress/protect-currency-sovereignty-nn-01092015120329.html
Nếu quý vị bên VN, không thể vào được, xin quý vị vào địa chỉ “chauatudo.info”, hoặc “achautudo.info” rồi nhập đường link trang web của ban việt ngữ vào.

Kiều hối phao cứu sinh cho nền kinh tế

Kiều hối tức ngoại tệ do người Việt ở nước ngoài gởi về cho thân nhân trong 25 năm qua lớn hơn tổng viện trợ phát triển ODA giải ngân cho Việt Nam. Kiều hối đã đóng góp vai trò quan trọng trong đời sống kinh tế xã hội nhưng Chính phủ Việt Nam từng có lúc giới hạn người dân chỉ được nhận tiền quà từ nước ngoài không quá ba lần một năm.

Vai trò quan trọng của Kiều Hối

Ông Bùi Kiến Thành chuyên gia tài chính hiện sống và làm việc ở Hà Nội nhận định:

“ Nếu thật sự không có nguồn kiều hối trên dưới 100 tỷ USD của bà con mình gởi về, tình hình kinh tế tài chính Việt Nam rất bi đát nếu không có nguồn tiền ấy thì kinh tế của Việt Nam ở đâu bây giờ? Tất cả thế giới mỗi năm viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam được bao nhiêu, còn đây là số tiền của bà con ở nước ngoài, bà con đi lao động ở nước ngoài gởi về… đó là nguồn tiền không hoàn lại, có ai trên thế giới giúp cho Việt Nam 100 tỷ USD không hoàn lại đâu, làm gì có. Thậm chí viện trợ nước ngoài cũng chỉ là cho vay dài hạn và đấy không phải là một nguồn tài chính vĩnh cửu cho Việt Nam.”

Báo chí Việt Nam kể cả Thông tấn xã Nhà nước, trong những ngày trước Lễ Giáng Sinh, đưa nhiều tin bài lên mạng Internet với nhiều chi tiết đáng chú ý, thể hiện toàn cảnh dòng tiền kiều hối. Các báo đã trích số liệu cụ thể và nhận định của chuyên gia qua bản Báo cáo toàn cảnh kiều hối tại Việt Nam vừa được Viên Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương và Công ty chuyển tiền Western Union của Hoa Kỳ công bố.

Quý vị có thể đọc thêm chi tiết bằng cách vào đường link của trang nhà RFA dưới đây:

http://www.rfa.org/vietnamese/programs/ReviewOnlineDomesticPress/money-remit-is-lifsv-12262014070814.html
Nếu quý vị bên VN, không thể vào được, xin quý vị vào địa chỉ “chauatudo.info”, hoặc “achautudo.info” rồi nhập đường link trang web của ban việt ngữ vào.

Tác động kép từ giá dầu giảm

Việt Nam có thể chịu tác động kép nếu giá dầu thô năm 2015 tiếp tục đứng ở mức thấp như hiện nay. Ngày 17/12/2014, lần đầu tiên Ngân Hàng Nhà nước họp với ba bộ là bộ Kế hoạch Đầu tư, bộ Tài chính, bộ Công thương và vấn đề tác động của giá dầu đến khai thác dầu thô và tăng trưởng kinh tế là nội dung ưu tiên bàn thảo.

Bên cạnh việc giảm thu ngân sách 2015 một cách đáng kể, VnExpress trích lời TS Đỗ Thiên Anh Tuấn, giảng viên Chương trình giảng dạy kinh tế Fullbright ở Saigon nhận định rằng, giá dầu giảm chắc chắn tác động tích cực đến mức chi tiêu của hộ gia đình và sản xuất của doanh nghiệp, vì thu nhập của người dân tăng lên. Tuy nhiên chuyên gia này đặt vấn đề là giá cả ở các thị trương hàng hóa khác có linh hoạt biến động theo giá dầu hay không.

Chuyên gia tài chính Bùi Kiến Thành ở Hà Nội từng cho rằng việc giảm giá dầu thô trên thế giới làm cho Việt Nam bị hụt nguồn thu trong khi nền kinh tế lại không hưởng được tác động tích cực do giá dầu và sản phẩm từ dầu hạ giảm.

“Đối với các nước mà việc quản lý giá dầu tiêu dùng hay các sản phẩm phụ của dầu một cách thông thoáng hơn thì là một việc khác. Còn ở Việt Nam mặc dù giá dầu thô thế giới giảm như thế nhưng dầu bán ra cho dân chúng tiêu dùng không giảm tương đồng. Đó là vấn đề quản lý giá cả ở Việt Nam không đi cùng với sự biến động dầu thô trên thế giới. Vì vậy sức lan tỏa từ giá dầu thô hạ xuống đối với kinh tế Việt Nam còn rất hạn chế, bao nhiêu phụ phẩm từ dầu về Việt Nam nó không giảm trực tiếp đối với vấn đề giá dầu thô giảm xuống.”

Quý vị có thể đọc thêm chi tiết bằng cách vào đường link của trang nhà RFA dưới đây:

http://www.rfa.org/vietnamese/programs/ReviewOnlineDomesticPress/vn-s-economy-may-suffer-double-effects-nn-12192014114756.html
Nếu quý vị bên VN, không thể vào được, xin quý vị vào địa chỉ “chauatudo.info”, hoặc “achautudo.info” rồi nhập đường link trang web của ban việt ngữ vào.

Tướng công an lạm quyền xây biệt thự chui

Sự kiện Thiếu tướng Công an Phan Như Thạch xây dựng trái phép khu biệt thự rộng 17.500 m2 ở chân đèo Hải Vân Đà Nẵng đang gây sôi nổi công luận. Vụ việc cho thấy tham nhũng lạm quyền xảy ra khắp nơi ở Việt Nam và một lần nữa báo chí là người phát hiện chứ không phải các cơ quan có chức năng giám sát của Đảng hay Nhà nước.

Phản ứng về vấn đề này Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM nhận định rằng vụ nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền là phát pháo lệnh cho chiến dịch chống tham nhũng ở Việt Nam và bây giờ là vụ biệt phủ của Thiếu tướng Công an Phan Như Thạch ở chân đèo Hải Vân thuộc địa giới TP.Đà Nẵng. LS Nguyễn Văn Hậu nhấn mạnh:

“Việc này không thể chìm xuồng được và nói chung dư luận cũng đã biết. Tôi nghĩ rằng Ủy ban phòng chống tham nhũng của Nhà nước sắp tới đây cũng phải xử lý những trường hợp này. Chúng ta đã có Luật về Nhà ở, mỗi hành vi vi phạm pháp luật thì phải khắc phục và trở lại tình trạng ban đầu. Ở Việt Nam có một câu là đảng viên đi trước làng nước theo sau. Anh là đảng viên thì anh phải gương mẫu, Việt Nam có luật và các tổ chức Đảng cũng có qui định… những chuyện như thế này tôi nghĩ là cũng sẽ được xử lý một cách nghiêm minh.”

Quý vị có thể đọc thêm chi tiết bằng cách vào đường link của trang nhà RFA dưới đây:

http://www.rfa.org/vietnamese/programs/ReviewOnlineDomesticPress/police-general-built-villas-on-protected-forest-nn-12122014085720.html
Nếu quý vị bên VN, không thể vào được, xin quý vị vào địa chỉ “chauatudo.info”, hoặc “achautudo.info” rồi nhập đường link trang web của ban việt ngữ vào.

Kinh tế bấp bênh nhưng Thủ tướng lạc quan

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trấn an các nhà đầu tư và cộng đồng doanh nghiệp khi ông đưa ra các con số đẹp cho kế hoạch 2015.

Lên tiếng tại Diễn đàn Doanh nghiệp thường niên (VBF) 2014 tổ chức sáng 2/12 tại Hà Nội, báo chí nhà nước dẫn lời người đứng đầu chính phủ cam kết sang năm 2015, Việt Nam sẽ kiểm soát lạm phát ở mức 5% để tạo điều kiện phát triển kinh tế. Bội chi ở mức 5% GDP, tăng trưởng kinh tế ở mức 6,2%.

Những dự báo này được cho là khá lạc quan trong bối cảnh bấp bênh của nền kinh tế Việt Nam, mà chỉ một ngày sau tức 3/12/2014, Ngân hàng Thế giới đã phản ánh trong một báo cáo sử dụng ngôn ngữ ngoại giao cẩn trọng, nhưng cũng không kém phần lo ngại.

Nhận định về những vấn đề liên quan, Phó Giáo sư Tiến sĩ Ngô Trí Long chuyên gia kinh tế hiện sống và làm việc tại Hà Nội phát biểu:

“Ông Thủ tướng rất lạc quan nhưng thực tế vấn đề nó khác, ví dụ như năm 2014 này thì mức lạm phát có khả năng dưới 3%. Nhưng bên cạnh việc kiểm soát được thì nỗi mừng đó còn có mối lo nếu mức lạm phát sụt giảm quá mức thì sẽ có rất nhiều vấn đề trong tương lai mà hiện nay đang bàn. Dự báo 2015 của Chính phủ lạm phát dưới 5%, tăng trưởng 6,2% điều đó có khả thi hay không. Theo tôi là khả thi nhưng kiểm soát lạm phát mà trong điều kiện năng suất lao động chất lượng hiệu quả không tăng, mô hình tăng trưởng kém hiệu quả, những thách thức phía trước còn rất là lớn.

Dùng chính sách thắt chặt tiền tệ mà do nguyên nhân của giá thế giới, thí dụ xăng dầu, gạo, đường, đậu nành v..v.. nguyên liệu đầu vào giảm cái đó là khách quan, mà với cái đó và chính sách thắt chặt tiền tệ quá mức thì sẽ dẫn tới lạm phát thấp. Với mức độ khó lường như thế sẽ dẫn đến một nền sản xuất trì trệ, khi sản xuất trì trệ sẽ quay vòng lại là thiếu công ăn việc làm, nẩy sinh rất nhiều vấn đề cần  giải quyết. Cho nên theo quan điểm của tôi, với những chỉ tiêu đặt ra trên con số thì rất đẹp, thực chất của vấn đề còn nhiều thách thức cần phải tiến hành để xử lý.”

Quý vị có thể đọc thêm chi tiết bằng cách vào đường link của trang nhà RFA dưới đây:

http://www.rfa.org/vietnamese/programs/ReviewOnlineDomesticPress/vn-pm-embellist-national-eco-nn-12052014122653.html
Nếu quý vị bên VN, không thể vào được, xin quý vị vào địa chỉ “chauatudo.info”, hoặc “achautudo.info” rồi nhập đường link trang web của ban việt ngữ vào.

Dự án của Trung Quốc ở đèo Hải Vân chờ Thủ tướng

Tỉnh Thừa Thiên Huế thông báo dừng thực hiện dự án Trung Quốc trên đèo Hải Vân từ chiều ngày 26/11/2014. Quyết định này được đưa ra trước thời điểm Bộ Quốc phòng chuẩn bị báo cáo Thủ tướng về việc doanh nghiệp nước ngoài được cấp giấy phép đầu tư ở địa điểm có thể đe dọa an ninh quốc phòng.

Báo điện tử Một Thế Giới trích nguồn TTXVN đưa tin cho biết đây là một quyết định thống nhất giữa Ban quản lý Khu Kinh tế Chân Mây-Lăng Cô và nhà đầu tư Trung Quốc. Việc thực hiện Dự án khu du lịch nghỉ dưỡng quốc tế World Shine-Huế ở mũi Cửa Khẻm đèo Hải Vân sẽ dừng lại kể từ chiều 26/11/2014. Thông tin này chỉ vắn tắt là dừng thực hiện chứ không đề cập tới việc thu hồi giấy chứng nhận đầu tư mà Thừa Thiên-Huế đã cấp cho Công ty Trung Quốc Thế Diệu từ tháng 10/2013.

Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, nguyên tư lệnh Quân khu 4 từ Hà Nội nhận định:

“Lúc nãy có tờ báo gọi điện đến cho tôi nói như thế này…tức là ông  Chủ tịch Thừa Thiên-Huế tuyên bố ngừng cái dự án này để chờ Thủ tướng quyết định. Tôi chưa có thông tin đầy đủ để bình luận, nhưng lâu nay nhiều lần tôi đã nói rằng, không thể giao cho bất cứ tổ chức nước ngoài nào vào hoạt động kinh tế trong khu vực có vị trí chiến lược quan trọng. Tôi đã nhiều lần nói như vậy nhất là đối với Trung Quốc hiện nay đang có rất nhiều vấn đề nóng bỏng ở Biển Đông thì lại càng không thể được.”

Quý vị có thể đọc thêm chi tiết bằng cách vào đường link của trang nhà RFA dưới đây:

http://www.rfa.org/vietnamese/programs/ReviewOnlineDomesticPress/cn-haivan-project-to-be-halted-nn-11282014102433.html
Nếu quý vị bên VN, không thể vào được, xin quý vị vào địa chỉ “chauatudo.info”, hoặc “achautudo.info” rồi nhập đường link trang web của ban việt ngữ vào.

Phó Tổng tham mưu trưởng chống dự án Hải Vân

Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam Trung tướng Bế Xuân Trường cho biết Bộ Quốc phòng không đồng ý việc Thừa Thiên-Huế cấp giấy phép đầu tư nước ngoài cho dự án khu nghỉ dưỡng ở Mũi Cửa Khẻm, nơi núi Hải Vân vươn xa nhất ra biển và khống chế Vịnh Đà Nẵng. Nhân vật có thẩm quyền của quân đội đã trả lời báo chí bên lề phiên họp Quốc hội hôm 19/11 vừa qua.

Trung Tướng Bế Xuân Trường là nhà quân sự cao cấp nhất đang tại chức đồng hành với phản biện của Trung tướng Lê Văn Chiêm, Tư lệnh Quân khu 5 cũng như các tướng lĩnh sĩ quan cao cấp khác đã về hưu và giới nhân sĩ trí thức kịch liệt phản đối việc doanh nghiệp Trung Quốc được giao 200 ha đất ở vị trí chiến lược, có thể khống chế vùng trời, vùng núi, vùng biển Đà Nẵng và nếu có chiến tranh có thể chia cắt đất nước ngang vĩ tuyến 16.

Đây là lần đầu tiên các giới chức quân sự cao cấp đang tại chức đã hòa đồng với ý kiến phản biện xã hội dân sự bác bỏ dự án du lịch nghỉ dưỡng rộng 200 ha ở vị trí chiến lược trên đèo Hải Vân. Đáp câu hỏi của chúng tôi là đánh giá thế nào về vai trò phản biện xã hội đã góp phần đưa ra sự thật về một mối nguy hiểm cho an ninh quốc gia, Giáo sư Chu Hảo, nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ từ Hà Nội nhận định:

“Tôi đánh giá rất cao tác dụng của phản biện xã hội đã kiên trì thực hiện bấy lâu nay ở nhiều tổ chức xã hội dân sự và cá nhân có trách nhiệm với xã hội. Việc lần đầu tiên một dự án lớn có liên quan đến an ninh quốc phòng mà những tướng lĩnh đang còn giữ cương vị trọng trách hiện tại lên tiếng thì đó là một điều mới. Bởi vì trước đây nhiều dự án cũng liên quan đến những vấn đề an ninh quốc phòng nhưng bản thân tôi chưa thấy có một phản ứng nào thẳng thắn mạnh mẽ và công khai từ những quan chức quốc phòng hiện đương chức. Thế đấy là điểm đáng mừng, tôi cho rằng việc giới chức Bộ quốc phòng và Tư lệnh Quân khu 5 lên tiếng về vấn đề này là đáng trân trọng và nó phù hợp với nguyên vọng của nhân dân và lợi ích của quốc gia.”

Quý vị có thể đọc thêm chi tiết bằng cách vào đường link của trang nhà RFA dưới đây:

http://www.rfa.org/vietnamese/programs/ReviewOnlineDomesticPress/domestic-press-online-review-112114-nn-11212014075405.html
Nếu quý vị bên VN, không thể vào được, xin quý vị vào địa chỉ “chauatudo.info”, hoặc “achautudo.info” rồi nhập đường link trang web của ban việt ngữ vào.

Luật Báo chí không thực thi tự do báo chí

Hiến pháp Việt Nam 2013 cũng như các bản hiến pháp trước đó đều bảo đảm người dân có quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận. Nhưng Luật Báo chí ban hành năm 1989 sửa đổi 1999 trên thực tế chỉ là một bộ Luật quản lý hoạt động báo chí vốn dĩ là trực thuộc nhà nước. Luật Báo chí sẽ được sửa đổi vào năm 2015, nhưng thông tin cho thấy Dự Luật này cũng không thực thi quyền tự do báo chí theo Hiến pháp qui định, mà thực tế là để kiểm soát sự xé rào của truyền thông đa phương tiện.

Đáp câu hỏi phải chăng các nhà báo công dân ở Việt Nam đang tự thực hiện quyền tự do báo chí qua blog, facebook và các mạng xã hội khác. Ông Nguyễn Quốc Thái, nguyên Tổng Thư Ký báo Doanh Nghiệp từ Sài Gòn nhận định:

“Hiến pháp qui định mọi người công dân được quyền tự do ngôn luận, họ dùng chính phương tiện họ có trong tay để nói điều họ suy nghĩ, họ nhận định về một vấn đề gì đó. Nếu anh lên tiếng cấm cản điều đó… anh biết bây giờ là vấn đề này là vấn đề toàn cầu không còn của riêng quốc gia nào hay của khu vực nữa rồi. Vấn đề là chúng ta nhìn nhận nhau, hiểu nhau, thông cảm nhau, lắng nghe được nhau đó là điều căn bản điều chính. Còn dùng bạo lực để trấn áp thì tôi nghĩ rằng sẽ đưa đến hậu quả không hay.”

Quý vị có thể đọc thêm chi tiết bằng cách vào đường link của trang nhà RFA dưới đây:

http://www.rfa.org/vietnamese/programs/ReviewOnlineDomesticPress/law-on-press-no-reedom-of-press-nn-11142014085343.html
Nếu quý vị bên VN, không thể vào được, xin quý vị vào địa chỉ “chauatudo.info”, hoặc “achautudo.info” rồi nhập đường link trang web của ban việt ngữ vào.

Bio-Rad hối lộ: phần nổi của tảng băng chìm

Dư luận Việt Nam bàng hoàng về việc Hoa Kỳ công bố hồ sơ vụ Công ty Bio-Rad Laboratories Inc hối lộ quan chức Việt Nam 2,2 triệu USD, để dành được các hợp đồng cung cấp thiết bị xét nghiệm và chẩn đoán y tế trong thời gian 2005-2010.

Hầu hết báo chí Việt Nam nhanh chóng đưa tin về vụ việc, mà qua đó cho thấy người dân Việt Nam phải trả chi phí y tế cao hơn do giá thành dịch vụ cuối cùng sẽ bao gồm các khoản hoa hồng, hay hối lộ cho các quan chức ngành y tế.

Sau các thông tin ban đầu, Báo Tuổi Trẻ Online cũng như các báo điện tử khác đã trích lời ông Nguyễn Văn Tiên, phó chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội trả lời báo chí hôm 6/11 bên hành lang Quốc hội rằng:“Trong 5 năm mà hối lộ có 2,2 triệu USD, có lẽ còn quá nhỏ. Nên chúng ta phải kiểm tra rõ xem thực tế đến mức nào.”

Nhà giáo Đỗ Việt Khoa hiện sống và làm việc tại Hà Nội trong tư cách một người dân, một người sử dụng dịch vụ y tế nhận định:

“Tham nhũng trong lãnh vực y tế đúng là tội ác tày trời đối với nhân dân, họ sẵn sàng hút máu người dân để đút túi của họ. Những chuyện này không phải mới đây mà xảy ra lâu rồi ở các mức độ khác nhau, còn lần này được một công ty nước ngoài công khai nêu ra và lần đầu tiên lật mặt ra. Theo tôi nếu điều tra kỹ còn nhiều hợp đồng y tế khác cũng có tính cách hút máu dân như vậy, nhân dân chúng tôi thấp cổ bé họng đi bệnh viện cứ phải có tiền người ta mới chữa, mua thuốc thì giá rất đắt, dịch vụ y tế nhiều khi phải đợi, phải chi tiền ra mới chữa.”

Quý vị có thể đọc thêm chi tiết bằng cách vào đường link của trang nhà RFA dưới đây:

http://www.rfa.org/vietnamese/programs/ReviewOnlineDomesticPress/bio-rad-bribery-tip-of-the-iceberg-nn-11072014110433.html
Nếu quý vị bên VN, không thể vào được, xin quý vị vào địa chỉ “chauatudo.info”, hoặc “achautudo.info” rồi nhập đường link trang web của ban việt ngữ vào.