Danh mục lưu trữ: Tường Trình Từ VN

Vé xe Tết, nỗi khổ của người lao động nghèo

Năm nào cũng giống năm nào, việc mua vé xe về quê ăn Tết luôn là nỗi lo lớn nhất của người lao động xa quê tại đất Sài Gòn, bến xe Miền Đông trở thành cái nơi mà họ phải vật vạ, chờ đợi và cầu may để mua được tấm vé, lên xe về quê. Khác với nhiều năm trước, năm nay, người lao động ít lo chuyện phải bị nhét xuống gầm xe, nằm vật vạ trong không gian chật hẹp và có thể bị chết ngạt, chết vì xóc bất cứ giờ nào. Nhưng bù vào đó, giá vé cao ngất ngưởng cùng với hàng loạt giá dịch vụ phụ khiến cho người lao động phải chóng mặt.

Giá xăng giảm nhưng nhà xe vẫn tăng giá vé

Một đại diện nhà xe tên Trúc tại bến xe Miền Đông, Sài Gòn cho biết:“Khoảng từ 24 đến 28 tháng 12 âm lịch đã hết vé, chỉ còn vé từ 23 tháng chạp trở về trước và sau ngày 29 tháng chạp. Vé xe đã có vậy rồi, không giảm, vé Tết mà!”

Theo bà Trúc, giá vé xe hiện nay vẫn chưa có gì thay đổi ngoài việc giảm từ 3% đến 5% nhưng lại tăng mức cước phí theo lịch Tết, mặc dù giá xăng đã được hạ xuống mức khá thấp. Sở dĩ có chuyện như vậy vì nhà xe tuy mới vui mừng vì giá xăng thì những chuyện khác không vui lại đến, mức phí chung chi cho cảnh sát giao thông suốt tuyến đường lại tăng gấp đôi so với trước. Như vậy, giá xăng hạ vẫn không bù được khoản chung chi nhân gấp đôi.

Tuyến đường từ Sài Gòn ra Hà Nội có đến vài ba chục trạm gác, thường thì những trạm gác chính do cảnh sát giao thông mỗi tỉnh đứng đường, rồi thỉnh thoảng có các trạm gác đột xuất do công an huyện đứng đường.

Mỗi xe muốn đi qua trạm gác đều phải chung 200 ngàn đồng, đó là con số qui ước, cứ thấy cảnh sát giao thông chỉ gậy vào xe thì liền tấp xe vào lề, kẹp 200 ngàn đồng vào giấy tờ xe, xuống chào hỏi đúng thủ tục, đưa giấy tờ cho cảnh sát giao thông. Lúc này, cảnh sát giao thông chỉ làm mỗi một việc là nhẹ nhàng kẹp tờ tiền vào giữa hai ngón tay, đưa nó vào giữa lòng bàn tay rồi nhét vào đai nịt cảnh sát.

Quý vị có thể đọc thêm chi tiết bằng cách vào đường link của trang nhà RFA dưới đây:

http://www.rfa.org/vietnamese/reportfromvn/tet-festiv-poor-suff-01202015050150.html
Nếu quý vị bên VN, không thể vào được, xin quý vị vào địa chỉ “chauatudo.info”, hoặc “achautudo.info” rồi nhập đường link trang web của ban việt ngữ vào.

Ăn mặn, ăn chay cũng chết… vì Trung Quốc

Hiện tại, với người Việt nói chung và với người Hà Nội, một thành phố lớn, thủ đô Việt Nam có khoảng cách địa lý khá gần với Trung Quốc nói riêng, mối bận tâm lớn nhất của người dân vẫn là ăn gì cho khỏi chết, khỏi bệnh vì Trung Quốc. Có thể nói rằng đó là câu hỏi mang tầm thế kỉ của Việt Nam hiện nay bởi mọi thứ hàng hóa ở đất nước này đã nhuộm màu Trung Quốc và mọi thứ thực phẩm đều có thể là mầm bệnh đến từ Trung Quốc. Những người ăn uống thông thường cũng có thể chết vì Trung Quốc, những người ăn chay cũng có thể chết vì Trung Quốc.

Ăn mặn… chết

Một người dân Hà Nội tên Hữu, ở phố Hàng Buồm, chia sẻ:

“Thịt bò Trung Quốc thì nó không được đỏ bằng thịt bò của mình, thớ thịt to hơn, nó nhợt nhợt, trắng hơn, sờ tay vào thì không dính như kiểu thịt ôi. Trong lúc đó thịt bò mình thì sờ vào nó dính, ăn thì làm sao ngon bằng thịt bò mình được. Đồ Trung Quốc thì có gì ngon, chỉ có cái là nó rẻ. Nguy hiểm thì tùy thuộc vào thời gian nó ướp, năm ngày hay bảy ngày nữa, kiểu như là nó bơm nước, rồi nó như là thịt đông lạnh vậy đó, nguy hiểm. Vậy mà người Việt mình cũng có người học Trung Quốc, cũng bơm nước vào thịt. Chỉ có điều lượng hóa chất để ướp giữ thịt thì mình không bằng Trung Quốc được.”

Quý vị có thể đọc thêm chi tiết bằng cách vào đường link của trang nhà RFA dưới đây:

http://www.rfa.org/vietnamese/reportfromvn/vegetarian-or-meat-all-ll-dead-by-cn-food-01162015113708.html
Nếu quý vị bên VN, không thể vào được, xin quý vị vào địa chỉ “chauatudo.info”, hoặc “achautudo.info” rồi nhập đường link trang web của ban việt ngữ vào.

Tiền vàng mã cao giá hơn tiền đồng

Đồng tiền Việt Nam hạ thêm 1% so với đồng đô la, đó là tin sốc đối với người Việt. Nhưng điều ấy cũng chưa thật sự sốc nếu so sánh mệnh giá đồng Việt Nam với đồng âm phủ, thật đáng sợ khi mệnh giá đồng âm phủ cao hơn nhiều so với đồng Việt Nam hiện tại, đương nhiên là không thể cao hơn gấp hai mươi mốt ngàn lần như đồng đô la Mỹ nhưng so ra, những tờ giấy mà ai cũng có thể in ra để bán và không hề có sự bảo chứng giá trị của nhà nước kia lại có giá trị cao hơn đồng bạc của ngân hàng nhà nước Việt Nam. Hay nói cách khác, đồng âm phủ cao hơn đồng chính phủ.

Tỉ giá 1%

Một người chuyên sản xuất tiền âm phủ ở thành phố Sài Gòn, tên Cảnh, chia sẻ:

“Ví dụ như vàng mã, tiền bạc, áo giấy thì khi cúng ngoài sân, người ta thường hay đốt, còn ở trong nhà thì không. Vì thường trong nhà thì người trong nhà mong người mất sẽ sớm siêu thoát, họ không cần những thứ này. Chỉ có ngoài sân như cúng rằm… mới cúng vàng bạc, áo giấy…”

Ông Cảnh vốn là người sản xuất tiền âm phủ và vàng mã bỏ mối mấy chục năm nay nhưng ông cũng quên bẵng đi, không hề để ý mệnh giá của nó và cũng không ngờ đến chuyện này. Nhưng một lần tình cờ, khách hàng mua 100 tờ tiền âm phủ với giá tám ngàn đồng, ông này lắc đầu nhận xét là tám ngàn đồng Việt Nam bây giờ vẫn còn may mắn mua nổi 100 tiền âm phủ, ông Cảnh mới giật mình.

Tiền âm phủ gồm nhiều loại, trong đó có cả đô la âm phủ, euro âm phủ nhưng có ba loại tiền truyền thống, đó là tiền bạch đinh, hoàng đinh và tiền hoa in hình đồng xu tròn. Giấy bạch đinh tượng trưng cho dương khí, hoàng đinh tượng trưng cho âm khí và đồng in hình xu tròn tượng trưng cho sự phối ngẫu cả hai loại tiền này, âm dươn gắn kết, hài hòa. Một khi đốt cúng cho ông bà, người Việt Nam thường đốt kết hợp ba loại bạch đinh, hoàng đinh và tiền hoa để ông bà tùy nghi sử dụng.

Thường thì người nghèo đốt mỗi loại tiền một trăm tờ, vị chi một lần cúng hết ba trăm tờ, gọi là ba trăm bạc âm phủ. Muốn có ba trăm bạc âm phủ, người ta phải bỏ ra hai mươi bốn ngàn đồng tiền chính phủ phát hành để mua. Nhưng đó là giá gốc, nếu như mua ở các cửa hàng bán lẻ, phải mất ba chục ngàn đồng. Nếu tính theo tỉ giá thì một đồng âm phủ ăn được một trăm đồng chính phủ, tỉ giá là 1%.

Quý vị có thể đọc thêm chi tiết bằng cách vào đường link của trang nhà RFA dưới đây:

http://www.rfa.org/vietnamese/reportfromvn/price-of-votive-money-higher-than-real-one-01142015111731.html
Nếu quý vị bên VN, không thể vào được, xin quý vị vào địa chỉ “chauatudo.info”, hoặc “achautudo.info” rồi nhập đường link trang web của ban việt ngữ vào.

Những người ăn đêm ở Cà Mau

Từ Sài Gòn, đi ngót nghét nửa ngày đường về đến Cà Mau, nơi địa đầu đất nước, đời sống bồng bềnh, trôi nổi của xứ sở miệt vườn và trôi sông lạc chợ hiện ra rõ nét. Nói miền Tây, đặc biệt Cà Mau là xứ sở miệt vườn và trôi sông lạc chợ là vì hiếm nơi nào có những miệt vườn thơ mộng, buồn và yên tĩnh như ở đây, cũng không đâu có nhiều số phận trôi nổi tha hương đất khách và trôi nổi ngay trên quê nhà như ở đây. Dường như đời sống ở đây đã phát triển một cách ngược chiều, kẻ giàu thì tiến một bước lên trời, người nghèo thì thụt lùi hàng thế kỉ.

Những miệt vườn thơ mộng

Một nông dân miền Tây tên Hiển, cho biết: “Tùy theo loại phân, có loại lên giá có loại vẫn quân bình. Vườn ở đây sây trái lẵm, chẳng hạn như vú sữa, rất nhiều trái, nhiều trái lắm. Ở đây ngày công lao động khoảng một trăm mấy – hai trăm ngàn. Nhưng mà kêu làm cỏ không à, còn lại nhà vườn tự làm. Trái cây ít xuất đi được vì Trung Quốc lấn…”

Ông Hiển cho rằng nói về miệt vườn, có lẽ hiếm nơi nào có miệt vườn độc đáo và đặc biệt như xứ Tây Nam Bộ. Bởi lẽ, một miệt vườn trung bình của người nông dân xứ Tây Nam Bộ có thể tương đương với trang trại của một đại gia ở xứ khác vì diện tích đất quá rộng, quá phì nhiêu và màu mỡ ở đây. Nhờ vào con nước lên nước ròng, miệt vườn Tây Nam Bộ không có khái niệm tưới tiêu, thủy lợi hay nộp thủy lợi phí hằng năm như ở nơi khác. Hầu như mọi hoạt động tưới tiêu đều dựa vào mực nước tự nhiên, chỉ cần đào mương dẫn nước vào vườn là xong.

Quý vị có thể đọc thêm chi tiết bằng cách vào đường link của trang nhà RFA dưới đây:

http://www.rfa.org/vietnamese/reportfromvn/camau-by-night-01122015072533.html
Nếu quý vị bên VN, không thể vào được, xin quý vị vào địa chỉ “chauatudo.info”, hoặc “achautudo.info” rồi nhập đường link trang web của ban việt ngữ vào.

Sapa đắt khách nhưng đồng bào thiểu số lại buồn

Thị trấn Sapa có lượng khách đông đúc vượt bậc và hàng loạt khách sạn cháy phòng, du khách phải thuê sân nhà dân để căn lều trại ngủ qua đêm trong giá lạnh là một trong những thông tin vui cho ngành du lịch Lào Cai. Nhưng thông tin này lại không hề có ý nghĩa gì đối với những nông dân làm vườn cũng như người đồng bào H.Mong, Thái Trắng, Dao Đỏ ở Sapa. Nếu nhìn một cách khách quan, sự thắng lợi trong kinh doanh du lịch lại một lần nữa cứa vào vết thương chưa kịp lành của đồng bào thiểu số. Vết thương này là gì?

Mùa khốn khó bắt đầu

Một người bạn Dao Đỏ tên Miền, chia sẻ: “Người nghèo thì nhiều lắm, ba phần thì có hai phần rồi, ở đây nghèo lắm. Làm ruộng, trồng rau ăn, các thứ thì đi mua nhà nước rồi về bán, lãi một xu hai xu, một đồng hai đồng để ăn. Cứ ăn hết lại đi mua. Như các thứ đồ dệt, mình mua rồi bán lại, như mua hai mươi ngàn, bán hai lăm ngàn, lãi năm ngàn thì ăn”.

Với kinh nghiệm làm vườn lâu năm, chị Miền dự đoán rằng năm nay sẽ có tuyết rơi vào dịp Tết âm lịch, và đó cũng là dịp khó khăn nhất cho người nông dân. Thường thì người nông dân miền núi không có nhiều ruộng như nông dân miền xuôi, bên cạnh đó, cũng chưa bao giờ được mùa như nông dân miền xuôi. Thường mỗi gia đình có không tới hai sào ruộng bậc thang gồm nhiều thửa lẻ tẻ dọc các triền núi để trồng lúa. Và mỗi sào chỉ thu hoạch được từ hai đến ba trăm ký lúa. Nếu được mùa, bội thu thì được ba trăm ký.

Và với sáu trăm ký lúa, giã thành gạo còn lại được gần bốn trăm ký gạo nếu như được mùa, mất mùa thì số lượng gạo dùng trong vòng sáu tháng của một gia đình năm, sáu người chỉ còn chừng hai trăm ký. Trong trường hợp thức ăn giàu dinh dưỡng thì hai trăm ký gạo vẫn có thể đắp đổi được. Nhưng với nông dân miền núi, vấn đề dinh dưỡng vẫn còn rất xa tầm tay, chính vì thiếu dinh dưỡng nên thay vì ăn một bát cơm, người ta phải ăn lên hai bát, ba bát mới lấp nổi cái bụng đói.

Quý vị có thể đọc thêm chi tiết bằng cách vào đường link của trang nhà RFA dưới đây:

http://www.rfa.org/vietnamese/reportfromvn/sapa-has-lot-custom-01082015074921.html
Nếu quý vị bên VN, không thể vào được, xin quý vị vào địa chỉ “chauatudo.info”, hoặc “achautudo.info” rồi nhập đường link trang web của ban việt ngữ vào.

Giá xăng và gas giảm, sự bất ổn lại gia tăng

Sài Gòn với hàng triệu xe máy túa ra đường mỗi sớm mai và ùn ùn kéo về nhà mỗi chiều tối, tắt đường, kẹt xe, ngập nước, khói bụi… tất cả những hiện tượng này làm nên bộ mặt Sài Gòn mỗi ngày và giá xăng trước đây tăng vọt đã khiến cho lưu lượng xe trên đường phố giảm đáng kể. Tuy nhiên, vài tuần trở lại đây, khi giá xăng giảm, vấn đề giao thông Sài Gòn lại một lần nữa đối mặt với hàng loạt khó khăn, rối rắm. Đặc biệt, khi giá xăng và giá gas giảm ngay trước thềm năm mới 2015 đã khiến cho Sài Gòn rơi vào cơn phấn khích tai hại trong giới lao động phổ thông.

Niềm vui ảo…

Một người tên Hội, sống tại quận 1, Sài Gòn, cho biết:“Mình thì không đi đâu ra ngoài. Nói chung là người Việt Nam mình thì phù du, bèo bọt, không thiết tha lắm!”

Theo ông Hội, Tết dương lịch 2015 ở Sài Gòn có thể nói là một cái Tết hoành tráng nếu nhìn từ bên ngoài. Lượng người kéo ra đường đón Tết cũng như các chương trình pháo hoa, sân khấu biểu diễn đón Tết diễn ra ở khắp mọi nơi trong thành phố với mật độ khá dày. Đương nhiên là người dân có nhiều lý do để vui, vì chí ít thì cũng từ tháng Giêng năm 2015, họ bớt đi gánh nặng về chi phí xăng, gas và hy vọng một ngày nào đó, giá điện cũng xuống thấp, xem như đời sống tạm ổn.

Người dân kéo nhiều ra đường đón Tết vì ít nhất, trong quĩ tiết kiệm của họ cũng dư ra một khoản nhỏ tiền bù giá xăng, gas trước đây, bây giờ họ dành để đón Tết. Đó là về mặt hình thức, vẻ bề ngoài. Nhưng thật sự, những cuộc vui tại Sài Gòn hiện nay có vẻ hình tướng và bất ổn, mối nguy rình rập nhiều hơn là sự ổn định lâu dài.

Quý vị có thể đọc thêm chi tiết bằng cách vào đường link của trang nhà RFA dưới đây:

http://www.rfa.org/vietnamese/reportfromvn/pric-gas-down-unstab-up-01072015072242.html
Nếu quý vị bên VN, không thể vào được, xin quý vị vào địa chỉ “chauatudo.info”, hoặc “achautudo.info” rồi nhập đường link trang web của ban việt ngữ vào.

Ông Nguyễn Bá Thanh sắp “về quê”

Những ngày gần đây, đối với người dân thành phố biển Đà Nẵng, thông tin về bệnh tình, sức khỏe cũng như sự sống của ông Nguyễn Bá Thanh được dư luận quan tâm hàng đầu. Hầu như đi bất kì đâu, từ các bar, vũ trường cho đến các quán cà phê cóc, bất kì đâu cũng xôn xao bàn tán về tình trạng ông Nguyễn Bá Thanh. Sở dĩ nói rằng người dân bàn tán về tình trạng ông Nguyễn Bá Thanh vì lẽ người ta quan tâm đến sức khỏe của ông, đồng thời quan tâm đến sinh mệnh chính trị cũng như tiểu sử đang được một bên ca ngợi, một bên bêu riếu của ông Thanh.

Khí chất Nguyễn Bá Thanh

Một người dân Đà Nẵng tên Quế, sống qua hai chế độ, năm nay đã ngoài 60 tuổi, chia sẻ: “Bốn chục năm nay mới gặp một người như ông Nguyễn Bá Thanh. Ông này để lại rất nhiều giai thoại, không thiên về công danh sự nghiệp mà luôn luôn đứng về người nghèo khổ, có tài có trí. Một con người của miền Trung có khí chất, khí phách, sự nhiệt thành, không vòng vo. Con người của ông Nguyễn Bá Thanh rất dứt khoát, làm là làm, không làm là không làm!”

Theo ông Quế, với ai không cần biết, nhưng với ông, Nguyễn Bá Thanh lá một lãnh đạo thành phố tốt bụng và nổi tiếng nhất không phải kể từ sau 30 thãng năm 1975 mà là từ ngày thành phố Đà Nẵng thành lập với cái tên là Tourance cho đến hôm nay. Bằng chứng của việc ông Thanh nổi tiếng là bây giờ, thử hỏi tên một lãnh đạo thành phố hay một tỉnh trưởng nào đó từ trước đến nay được lòng dân nhất. Chắc chắn người ta không ngại ngần nói là Nguyễn Bá Thanh. Và bản thân ông cũng vậy.

Quý vị có thể đọc thêm chi tiết bằng cách vào đường link của trang nhà RFA dưới đây:

http://www.rfa.org/vietnamese/reportfromvn/ngy-b-thanh-goin-hom-01062015062331.html
Nếu quý vị bên VN, không thể vào được, xin quý vị vào địa chỉ “chauatudo.info”, hoặc “achautudo.info” rồi nhập đường link trang web của ban việt ngữ vào.

Người già kiếm cơm giữa Sài Gòn

Mùa Đông giá lạnh, đối với người già, người nghèo thiếu ăn thiếu mặc, cái lạnh là nô lệ trung thành của thần chết, nó có thể đến trói tay trói chân người già cho thần chết dễ bề vung lưỡi hái. Với người già lây lất kiếm sống giữa đất Sài Gòn, mùa Đông càng ghê gớm hơn nhiều bởi ngoài cái lạnh của thời tiết, cái lạnh trong tâm hồn vốn buồn tủi lâu năm của họ sẽ làm khổ họ gấp bội lần. Cái lạnh khiến cho họ thấy cô đơn, đôi khi tự đặt câu hỏi: Bao giờ mình chết? Và khi mình chết đi, lấy gì để chôn, ai chôn mình đây?

Ăn xin không nỡ, buôn bán cũng không xong

Bà Hạt, 75 tuổi, quê Mộ Đức, Quảng Ngãi, vào Sài Gòn bán vé số và bưng bê cho quán ăn gần hai mươi năm nay, tâm sự::

“Bảy mươi mấy tuổi mà còn đi bán vé số. Ngày thì kiếm được khoảng mười, hai mươi ngàn bạc, đôi khi được tám ngàn. Ăn uống thì ăn quán ăn đường bữa đôi ba ngàn bạc, chứ không có khi mô ăn được năm ngàn, mười ngàn đâu. Tùy bán vé số có lời không nữa, cứ đi liên miên rứa đó, ngày mô đau ốm thì ở nhà, huyết áp lên thì xỉu lên té xuống vậy đó.”

Bà Hạt cho biết thêm là hiện nay, ở thành phố có rất nhiều người già bằng tuổi của bà và có người lớn tuổi hơn phải đi bươn bả kiếm sống hằng này bằng nhiều công việc, từ bán vé số, bán trái cây, đậu phộng rang, đậu phộng luộc, lượm ve chai, lượm bao nilon, rửa chén bát thuê cho đến đi ăn xin… Họ sống lây lất qua ngày đoạn tháng, không biết đâu là nhà.

Phần đông trong số họ không có con cái ở quê nhà, lưu lạc xuôi dần về phương Nam và tìm cách để tồn tại bằng nhiều công việc. Cũng có người từng có nhà cửa đàng hoàng nhưng sau tháng Tư năm 1975, do nhiều thay đổi, nhà cửa của họ không còn nữa, con cái thì người đi vượt biên bỏ mạng giữa biển, người vào trại cải tạo không trở về, cuối cùng, không còn người thân, không còn nhà cửa, họ lăn lộn giữa cuộc đời mà tồn tại.

Như trường hợp một người bạn già của bà Hạt, ngay cả cái tên bà này cũng không thể nhớ rõ, nói câu trước câu sau quên, hơn 80 tuổi nhưng không có thẻ chứng minh nhân dân, không nhà cửa, tối ngủ gầm cầu, ngày đi ăn xin, được bữa nào nhờ bữa đó, có ngày đói rát ruột. Tuổi già của người bạn già nhiều khi làm cho bà Hạt rơi nước mắt. Nhưng cũng nghèo khổ giống nhau, bà chẳng giúp được gì ngoài gói mì tôm, ổ bánh mì nguội.

Quý vị có thể đọc thêm chi tiết bằng cách vào đường link của trang nhà RFA dưới đây:

http://www.rfa.org/vietnamese/reportfromvn/the-old-to-make-a-living-in-sg-01022015134840.html
Nếu quý vị bên VN, không thể vào được, xin quý vị vào địa chỉ “chauatudo.info”, hoặc “achautudo.info” rồi nhập đường link trang web của ban việt ngữ vào.

Mùa Đông trên biên giới Việt – Lào

Mùa Đông trên thị trấn núi Lao Bảo, Khe Sanh, Hướng Hóa, Quảng Trị, có thể nói đây là mùa khắc nghiệt nhất đối với người nghèo, đặc biệt là đối với đồng bào dân tộc thiểu số Pa Kô, Vân Kiều. Nước trên sông Sê Pôn dâng cao và chảy xiết, mọi lưu thông của người trong bản với thị trấn bị gián đoạn, việc đi hái măng rừng, bắp chuối rừng gặp nhiều khó khăn, nguy hiểm, lương thực dự trữ hầu như không có. Thật là buồn khi phải nói rằng đây là mùa đói khổ của những đồng bào thiểu số và họ tự hào một cách mù quáng về sự đói khổ vĩ đại của họ.

Đời sống dần thụt lùi

Ông Hồ Nhật Thành, 50 tuổi, người Pa Kô, sống ở Lao Bảo, chia sẻ: “Đời sống bây giờ khó lắm, làm chi mà có để ăn. Ngày xưa mình theo cụ Hồ có cụ Hồ che chở. Giờ cụ mất rồi lấy ai che chở. Người PaKô, Vân Kiều giờ đều họ Hồ, không biết ai bà con của mình, tổ tiên của mình, cứ thế mà lấy nhau. Khó lắm! Mọi cái khó lắm, bây giờ muốn lấy một cây gỗ rừng cũng không được, của nhà nước, ý đảng lòng dân. Mình vào rừng đốn gỗ phải hỏi mà biết hỏi ai, đốn về mà không hợp ý đảng là nhà nước nó bắt đi mất, coi như mất.”

Theo ông Thành, mùa Đông năm nào cũng như năm nào, đồng bào của ông phải sống trong đói rét, và thường thì đây là mùa có tang ma nhiều nhất bởi người già không chịu nổi cái lạnh, phải ra đi. Mùa này tuy nhiều chuyện tang tóc bởi thiếu ăn nhưng với đồng bào Vân Kiều, đây là mùa hạnh phúc. Bởi những người già được từ giã cõi người đầy rối rắm, đói khổ để về với Trời, với Bác.

Vì sao lại về với Trời, với Bác là một hạnh phúc? Ông Thành trả lời rằng trong thời kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, người Vân Kiều đã lột từng tấm tôn, bán từng cây cột gỗ lim, gỗ huỳnh đàn, gỗ sến hay gỗ kiền kiền để mua lương thực, góp gạo nuôi bộ đội.

Quý vị có thể đọc thêm chi tiết bằng cách vào đường link của trang nhà RFA dưới đây:

http://www.rfa.org/vietnamese/reportfromvn/winter-on-viet-khmer-lao-border-ttvn-12302014142057.html
Nếu quý vị bên VN, không thể vào được, xin quý vị vào địa chỉ “chauatudo.info”, hoặc “achautudo.info” rồi nhập đường link trang web của ban việt ngữ vào.

Nạn trộm cắp bùng phát ở miền Trung

Miền Trung, miền của mưa chang và nắng cháy, bão lụt, thiên tai hoành hành, con người phải đối diện với bốn bề khó khăn, nghèo khổ, thiên nhiên đang dần kiệt quệ vì nạn khai thác bừa bãi… Gần đây, nạn trộm cắp bộc phát, từ việc trộm cướp chó cho đến nạn trộm vào nhà giữa ban ngày khoắn sạch đồ đạt, nhiều gia đình trắng tay giữa mùa mưa lụt, một cái Tết ảm đạm đang chờ họ, có thể nói đây là tình trạng vô cùng xấu đối với miền Trung nghèo khổ vốn chất phác, mộc mạc và thật thà!

Nạn đập chó tăng mạnh

Một người  tên Nghĩa, ở Đông Hà, Quảng Trị, bức xúc: “Trộm cắp chó giờ là tệ nạn xã hội rồi, vì do dư thừa lao động, trình độ, ý thức của người dân chưa cao và nhu cầu ăn thịt chó ở ngoài Bắc rất cao, lễ hội, tiệc tùng họ trưng bày, làm thịt chó để ăn. Xuất phát từ ý thức của họ kém, họ đi ăn trộm chó để kiếm thêm thu nhập dẫn đến một số việc rất đáng tiếc.”

Theo ông Nghĩa, nạn trộm chó bây giờ không còn đúng với cái tên gọi “trộm chó” của nó nữa mà phải nói là nạn cướp chó, vì nhiều người dắt chó đi dạo ở đoạn đường vắng, những kẻ cướp chó xông đến khống chế người và ung dung cầm sợi xích, lôi con chó lại gần, nhấc bổng lên và bỏ bao mang đi. Hành động của những kẻ này hoàn toàn không chút mảy may lo sợ chủ sẽ hô hào kêu cứu, hành vi của chúng vừa chuyên nghiệp lại vừa lạnh lùng không thể tả!

Và vì sao nạn trộm chó lại tiếp tục bùng phát? Vừa đặt câu hỏi, vừa tự trả lời, ông Nghĩa cho rằng sở dĩ nạn trộm chó vẫn bùng phát là vì ba nguyên nhân: Tầm văn hóa của con người nói chung và giới cán bộ nhà nước nói riêng còn quá thấp; Tình hình kinh tế đất nước vẫn chưa có gì tốt đẹp và; Một nền giáo dục thiếu nhân tính, thiếu tính tự trọng đã dẫn đến một xã hội quen với trộm cắp.

Quý vị có thể đọc thêm chi tiết bằng cách vào đường link của trang nhà RFA dưới đây:

http://www.rfa.org/vietnamese/reportfromvn/theft-in-central-vn-12262014112714.html
Nếu quý vị bên VN, không thể vào được, xin quý vị vào địa chỉ “chauatudo.info”, hoặc “achautudo.info” rồi nhập đường link trang web của ban việt ngữ vào.