Cử tri sẽ bầu người đại diện xứng đáng


2011-05-10

Vào ngày 22 tháng 5, cử tri cả nước sẽ đi bầu 500 đại biểu quốc hội khóa 13, hơn 3200 đại biểu cấp tỉnh và thành phố, trên 21 ngàn đại biểu cấp huyện và hơn 280 ngàn đại biểu cấp xã, cho nhiệm kỳ 2011-2016.

RFA photo

Pano khắp nơi chào mừng Bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa 13

Hứa để câu lá phiếu

Lên tiếng trước hàng trăm ứng cử viên đại biểu quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp tại Hà Nội, cuối tuần rồi, ông Nguyễn Sĩ Dũng, phó Chủ nhiệm văn phòng quốc hội tuyên bố rằng, khi tiếp xúc với cử tri, nếu các ứng viên trình bày đường lối, chủ trương hành động của mình theo kiểu học thuộc bài, cử tọa có thể vỗ tay, hoan nghênh, nhưng chưa chắc cử tri sẽ dồn phiếu cho những người ăn nói lưu loát, hấp dẫn người nghe, vì lý thuyết và thực hành khác xa nhau rất nhiều.

Theo Ủy ban bầu cử trung ương thì tại 63 tỉnh thành trên toàn quốc sẽ có trên 91 ngàn đơn vị đầu phiếu, bầu đại biểu quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp. Mỗi tỉnh sẽ huy động từ bốn ngàn đến năm ngàn nhân viên điều hành công tác bầu cử, tổng kinh phí lên tới 700 tỷ đồng. 

Trong đợt vận động tranh cử đang diễn ra sôi nổi, nhiều cuộc mạn đàm, trao đổi, góp ý với các ứng cử viên được tổ chức để các đại biểu quốc hội từng phục vụ lâu năm, dồi dào kinh nghiệm nơi nghị trường trình bày về cách thức, kỹ năng vận động khi tiếp xúc, trao đổi với cử tri, nghiên cứu tình hình địa phương, lắng nghe nguyện vọng của cử tri, gây sự tin cậy đối với họ, giải đáp thắc mắc, để hoàn thành trách nhiệm của một người xứng đáng là đại diện của dân sau này.

Về phía cử tri thì mong rằng các ứng cử viên đừng hứa thật nhiều để câu lá phiếu mà cần chứng minh bằng hành động cụ thể một khi đã được bầu chọn vào cơ quan lập pháp hay hội đồng nhân dân.

Nhiều ý kiến cũng mong muốn là ứng cử viên khi nói chuyện với cử tri nên chọn những vấn đề phù hợp với khả năng, trình độ, không học thuộc bài, không đọc nguyên văn bản soạn sẵn, thu hút cử tri nhất thời, nhưng khi trúng cử sẽ quên hết bài bản, bỏ qua những gì đã từng hứa hẹn.

Trình bày suy nghĩ của mình về cuộc bầu cử sắp tới ông Võ Ngọc An, nguyên phó Giám đốc sở Văn Hóa thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, trình độ, khả năng của các ứng cử viên ngày càng được nâng cao. Ông Võ Ngọc An nói:

“Tôi thấy những người được bầu, tức là những đại biểu được dân chúng tin cậy bầu thì phải là người có trình độ, có tâm, có ý kiến đại diện cho được những ý kiến của dân chúng. Tất nhiên là phải có những nghệ thuật trình bày trước quốc hội bởi vì nghe dân họ nói cũng nhiều chuyện nhưng mình phải biết chọn lọc để mình đưa vào trong cái chương trình nghị sự để lời đóng góp của mình nó đại diện được cho tiếng nói chính đáng của các cử tri.

Nói chung là phải chọn những người có phẩm cách đạo đức, chớ còn chọn những người mà (cười) nói thuộc bài thì ôi thôi… mệt thôi! Nhưng mà tôi nghĩ rằng bây giờ thì trình độ ứng cử viên bây giờ họ cũng thấy khá lắm rồi, qua mấy năm rồi thấy trình độ họ cũng khá lắm. Họ có óc tổng hợp, họ có phân tích, họ có nghiên cứu và họ nêu ra trước quốc hội có nhiều vấn đề rất là sống động đó.”

Ở đâu cũng thế, khi mà họ muốn đạt được một cái mục tiêu gì đó thì họ cũng phải hứa.

Ông Lê Tuấn – HN

Ông Lê Tuấn, công chức ở Hà Nội thì cho biết các phương tiện truyền thông đang dành nhiều thời giờ để quảng bá thông tin nói về cuộc bầu cử, còn theo ông thì chuyện hứa nhiều mà làm chẳng bao nhiêu thì đó là chuyện thường tình. Ông Lê Tuấn nói:

“Ở các địa phương đấy thì đài nào cũng nói rất nhiều về các cử tri, đọc về tiểu sử rồi đọc về cái quá trình công tác cũng như cống hiến của những người mà mình sẽ chọn để bầu, thì dân mình qua chuyện đọc tiểu sử như thế và qua những cái mà gần như họ cũng có những mặt hơn mình, tức là họ sẽ có những cái hứa là sẽ thực sự làm người đại biểu của nhân dân, họ sẽ làm những điều mà đóng góp cho dân nhiều chứ không giống như những lời hứa suông và họ sẽ thể hiện rõ bằng hành động.

Tức là trên các đài báo ở địa phương họ thường nói như thế. Ở đâu cũng thế, khi mà họ muốn đạt được một cái mục tiêu gì đó thì họ cũng phải hứa. Ngay cả đến tổng thống Mỹ nhiều khi hứa cho đến khi ông được trúng cử rồi nhưng mà cái mục tiêu của ông không giống như cái thực tế. Cái hứa và cái hành động thực tế thì nó cũng có cái độ “jơ” của nhau, nhưng mà để đạt được mục tiêu của mình thì họ cũng sẽ hứa.”

Mong một xã hội công bằng

Trong khi đó về phía người dân lao động thì dường như họ dửng dưng mỗi khi có tổ chức bầu cử từ cấp xã lên đến thượng tầng quốc gia. Chị Mai, một người dân Bến Tre nói:

000_Hkg4476050-250.jpg
Các đại biểu tại Đại hội ĐCS VN lần thứ 11 giơ thẻ hội viên để bỏ phiếu trong phiên bế mạc ngày 19/1/2011. AFP photo

“Chọn những người nào mà có thể lo được cho dân, đơn giản nhứt là cuộc sống của người dân được ổn định thôi. Bây giờ chắc cũng có thể lo được, nhưng mà em cũng không biết được nữa.”

Ra đến miền Trung, bà Hằng nói lên ước mơ đơn giản nhất của mình: “Vâng, người dân muốn là một xã hội công bằng.”

Ông  Sơn cũng ngờ vực về những lần bầu chọn lâu nay:

“Bản thân tôi cũng có đóng góp ý kiến cho đại biểu ứng cử quốc hội nhưng mà cái việc họ trả lời hay không thì đó là việc của họ. Tất nhiên tin là tin vậy còn riêng bản thân họ thì có thể là họ không quan tâm, họ không nghĩ tới người nghèo thì mình biết đâu mà nói. Cũng có nhiều trường hợp đúng như vậy ở đây. Cũng còn một số đại biểu quốc hội khi đến với người dân thì họ nói tốt.”

Dư luận trong nước mong rằng việc tổ chức bầu cử là cơ hội để toàn dân chọn người đại diện mà họ tin cậy, là tiếng nói trung thực, xứng đáng của mình ở nghị trường, nhưng trên thực tế, những khuyến cáo từ các đại biểu quốc hội,  như yêu cầu chánh phủ ngưng các dự án cho nước ngoài khai thác bauxite, dừng các hợp đồng cho nước ngoài thuê rừng dài hạn, làm ảnh hưởng đến an ninh lãnh thổ, chủ quyền quốc gia, tác hại đến môi trường, có được nhà nước lắng nghe và thực hiện hay không? Hay những ý kiến đó chỉ được bàn bạc rồi rơi ngay vào quên lãng, vì nếu ai thắc mắc thì sẽ bị xem là “âm mưu lật đổ chế độ” hay “tiết lộ bí mật nhà nước”.

Nguồn lấy từ: http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/no-chose-who-learn-policy-dh-05102011160339.html

Bình luận về bài viết này