Danh mục lưu trữ: TẠP CHÍ – ÂM NHẠC CUỐI TUẦN

Nhạc sĩ Linh Phương

Nhạc sĩ, giáo sư giảng dạy piano Linh Phương hiện đang sống tại tiểu bang Texas, Hoa Kỳ. Trong suốt hơn 45 năm cống hiến cho âm nhạc, bà đã cho ra đời hơn 35 album nhạc và có khoảng trên 150 bài thơ phổ nhạc, ngoài nhạc đời, thời gian gần đây nhạc sĩ Linh Phương cũng hướng đến thánh ca.

Vũ Hoàng: Xin kính chào nhạc sĩ Linh Phương, rất hân hạnh được trò chuyện với chị trong chương trình âm nhạc hôm nay, trước tiên chị có thể giới thiệu đôi chút về con đường âm nhạc mà chị đã đi qua hơn 45 năm rồi được không ạ?

N.S Linh Phương: Trước khi trả lời câu hỏi của anh Vũ Hoàng, Linh Phương xin chào quý vị thính giả của đài RFA. Linh Phương đã trải qua chiều dài của bước đường âm nhạc từ lúc 4-5 tuổi, đến khi vào trường Quốc gia âm nhạc học và ra trường với bộ môn dương cầm. Bên cạnh đó, Linh Phương cũng được hấp thu những tinh hoa của âm nhạc của nhiều nhạc sư, giáo sư từ nước ngoài thời đó đem đến cho Việt Nam. Linh Phương cũng có người cha là giám đốc trường nhạc ….nên Linh Phương có cơ hội trình diễn nhiều nơi như đài phát thanh, ti vi hoặc dạy học… Những miền đất nước Linh Phương đi qua đã hấp thụ, có nhiều vốn sống về âm nhạc để sáng tác những bài tình tự quê hương. Linh Phương được học trong trường nhạc môn học classic (cổ điển), nhưng Linh Phương muốn sắc thái của nhạc Việt Nam được mọi người chú ý, nhất là những người ngoại quốc. Nhiều nhạc sĩ khuyên là nếu mình muốn thành công trong âm nhạc nghệ thuật thì mình nên đi theo con đường dân tộc và tất nhiên là phải nghiên cứu những sắc thái, giữ gìn bảo tồn văn hóa của Việt Nam qua âm nhạc. Và khi sang đến Hoa Kỳ, Linh Phương vẫn tiếp tục học để mà dạy học (nhạc) cho các em ở trong trường trung học, bên cạnh đó, cũng đào sâu nhạc Việt Nam và cho các em người ngoại quốc ở trong trường biết nhạc Việt Nam là như thế nào, có những bản nhạc như Hòn Vọng Phu hay những bài tình ca theo thể trưởng để các em nắm bắt được nhạc Việt Nam đẹp, thuần túy và đằm thắm ra sao, đây là con đường Linh Phương đã chọn.

Quý vị có thể đọc thêm chi tiết bằng cách vào đường link của trang nhà RFA dưới đây:

http://www.rfa.org/vietnamese/programs/MusicForWeekend/linh-suong-composer-01182015055342.html
Nếu quý vị bên VN, không thể vào được, xin quý vị vào địa chỉ “chauatudo.info”, hoặc “achautudo.info” rồi nhập đường link trang web của ban việt ngữ vào.

Một số sự kiện âm nhạc tiêu biểu 2014

Năm 2014 đã khép lại với nhiều hoạt động âm nhạc sôi nổi và trong chương trình âm nhạc kỳ này, Vũ Hoàng sẽ cùng quý vị điểm lại một số sự kiện tiêu biểu đã diễn ra trong năm qua.

Vào những ngày cuối tháng 11, Dân Ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh, Việt Nam vinh dự được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể của nhân loại, theo nhà nghiên cứu âm nhạc Đặng Hoành Loan thì “dân ca ví dặm đã tạo ra một vùng âm nhạc rộng lớn ở các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, đồng thời là nguồn sữa nuôi dưỡng nền âm nhạc Việt Nam.” Sự kiện âm nhạc trên được Hội nhạc sĩ Việt Nam bầu chọn đứng đầu trong 10 sự kiện tiêu biểu của âm nhạc Việt Nam năm 2014.

Festival của năm 2014

Trong năm vừa qua cũng đánh dấu hàng loạt những festival âm nhạc lớn được đầu tư kỹ về nội dung và quy mô tổ chức, để lại dấu đẹp trong lòng người hâm mộ.

Có thể nhắc tới: Festival âm nhạc Á – Âu kéo dài từ ngày 8/10 đến 12/10, đây là festival âm nhạc Á – Âu lần đầu tiên được tổ chức ở Việt Nam với sự có mặt của khoảng 200 nhạc công, nghệ sĩ đến từ hơn 30 quốc gia, đã đưa khán giả VN được tiếp cận gần gũi hơn với loại hình âm nhạc hàn lâm. Trong thời gian biểu diễn, các nghệ sĩ đã giới thiệu đến người hâm mộ gần 100 tác phẩm tiêu biểu cho nhiều trường phái âm nhạc đương đại trên thế giới.

Bên cạnh đó là Monsoon Music Festival 2014 (Festival âm nhạc quốc tế gió mùa) diễn ra 3 ngày tại Hoàng Thành Thăng Long cũng trong dịp tháng 10 vừa qua. Sự kiện này đã quy tụ sự góp mặt của khoảng 100 nghệ sĩ Việt Nam cùng với nhiều nghệ sĩ tên tuổi đến từ các quốc gia Châu Á và Châu Âu khác. Khán giả thủ đô đã có dịp thưởng thức những bữa tiệc âm nhạc thịnh soạn, đa dạng màu sắc, đồng thời, cũng được tận hưởng những buổi giao lưu, chia sẻ âm nhạc để hiểu hơn về các nền âm nhạc tiên tiến của nhân loại.

Quý vị có thể đọc thêm chi tiết bằng cách vào đường link của trang nhà RFA dưới đây:

http://www.rfa.org/vietnamese/programs/MusicForWeekend/vn-spec-2014-festivals-01102015181546.html
Nếu quý vị bên VN, không thể vào được, xin quý vị vào địa chỉ “chauatudo.info”, hoặc “achautudo.info” rồi nhập đường link trang web của ban việt ngữ vào.

Tuyệt phẩm Ave Maria

Quý vị đang cùng nghe tuyệt phẩm Ave Maria của nhà soạn nhạc lừng danh thế giới Franz Schubert qua tiếng saxophone lão luyện của Kenny G. Trong thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, Vũ Hoàng xin được cùng quý vị lắng đọng, tĩnh tại để tận hưởng những giai điệu ngọt ngào của Ave Maria, mong rằng những phút giây thư thái, nhẹ nhàng này sẽ luôn là những gì mà quý vị tận hưởng trong năm 2015.

Lý do mà Vũ Hoàng muốn được gửi tới quý vị tuyệt phẩm này vì ngày 1/1 đầu năm cũng là ngày tín đồ Công Giáo La Mã chọn để kính Đức Mẹ Maria, thành ra trong suốt ngày đầu tiên của năm mới, bản nhạc này sẽ được hát vang ở các thánh đường trên toàn thế giới.

Nhạc sư Franz Peter Schubert người Áo viết nhạc cho bài Ave Maria vào năm 1825. Theo sử sách ghi lại cho biết, Franz Schubert được biết đến bài thơ Thiên Hùng Ca “The Lady of the Lake” của Sir Walter Scott viết năm 1810 bằng Anh ngữ, nói về một nhân vật có tên Ellen Douglas cùng cha bị trục xuất phải trốn lên cao nguyên Scotland, họ sống trong một hang đá gần hồ Loch Katrine để tránh bị nhà vua trả thù. Trong lúc sợ hãi và tuyệt vọng nhất, Ellen đã dâng lời cầu nguyện xin Đức Trinh Nữ Maria cứu giúp. Sir Scott đã dựa theo lời cầu khẩn bắt đầu bằng chữ “Ave Maria” này để đặt tên cho ca khúc là Ellen’s Third Song. Chính vì vậy, nhạc phẩm Ave Maria còn có tên Ellen’s Third Song hay Bài ca thứ 3 của nàng Ellen.

Quý vị có thể đọc thêm chi tiết bằng cách vào đường link của trang nhà RFA dưới đây:

http://www.rfa.org/vietnamese/programs/MusicForWeekend/ave-maria-vh-12312014121957.html
Nếu quý vị bên VN, không thể vào được, xin quý vị vào địa chỉ “chauatudo.info”, hoặc “achautudo.info” rồi nhập đường link trang web của ban việt ngữ vào.

Nhạc Giáng Sinh 2014

Một mùa giáng sinh lại về trên khắp ngả đường, con phố, mùa Thiên Chúa giáng sinh, mùa của yêu thương và hy vọng… Và khi đất trời hoan ca, rộn rã đem hơi ấm xua tan đi lạnh giá của tiết trời đông, khắp nơi nơi những bản nhạc thánh ca bất hủ về mùa Giáng Sinh lại vang lên… Sự tin yêu và hi vọng đang tỏa sáng, làm dịu bớt những nỗi đau và mất mát của những mảnh đời bất hạnh đâu đó vẫn tồn tại trong xã hội này…

Mùa của bình an, sum họp lại về khắp nơi trên thế gian, những nẻo đường, góc phố từ vài tuần trước lễ Giáng sinh đã rộn rã không khí nhộn nhịp đón chào ngày lễ Thánh. Những khu trung tâm thương mại, các cửa hàng quà tặng đèn hòa rực rỡ, trang hoàng lộng lẫy với màu sắc đỏ trắng đặc trưng … màu đỏ trang phục truyền thống của ông già Noel và màu trắng của hoa tuyết… Từ những ngôi nhà thờ lớn và cổ kính ở thành thị cho đến những ngôi nhà thờ nhỏ ở vùng thôn quê heo lánh đều trang hoàng một hang đá với những cây thông lấp lánh… nhiều xóm đạo cùng nhau giăng đèn phủ kín cả con phố… mạng lại những cung bậc cảm xúc khác thường. Khắp phố phường dường như ngập tràn trong một không khí lễ hội với muôn ngọn nến sáng lấp lánh mùa Noel, ánh nến hân hoan thắp sáng mùa Vọng trong lòng người Ki-tô, mong đợi ánh nến sáng tin mừng Chúa phục sinh cứu chuộc cho nhân loại.

Chúng tôi muốn xin được dành chút thời gian để cùng quí vị tìm hiểu về một số những biểu tượng đặc trưng của ngày lễ lớn này trên thế giới.

Lễ Giáng Sinh là kỷ niệm ngày Chúa Jesus ra đời, Christmas, Noel hay Xmas, ở nhiều quốc gia mừng ngày này vào đêm 24, ngày 25 tháng 12. Khi nói lời chúc mừng ngày Giáng Sinh, người ta thường gắn với từ: Merry Christmas – “merry” mang nghĩa một niềm hân hoan, cảm giác ấm áp, hanh phúc. Theo sử sách cho biết, người nói cụm từ “Merry Christmas” đầu tiên là một sĩ quan hải quân, ông viết trong một bức thư thân mật vào năm 1699. Vào dịp lễ Giáng Sinh, không chỉ những giáo dân Thiên Chúa mà hầu như tất cả mọi người đều gửi lời chúc đến cho nhau “Merry Christmas.”

Quý vị có thể đọc thêm chi tiết bằng cách vào đường link của trang nhà RFA dưới đây:

http://www.rfa.org/vietnamese/programs/MusicForWeekend/christmas-song-14-12202014195409.html
Nếu quý vị bên VN, không thể vào được, xin quý vị vào địa chỉ “chauatudo.info”, hoặc “achautudo.info” rồi nhập đường link trang web của ban việt ngữ vào.

Lịch sử những ca khúc Giáng Sinh nổi tiếng thế giới

Chỉ còn ít ngày nữa là mùa Giáng Sinh, một trong những ngày lễ hội mang tính tôn giáo lớn nhất hành tinh sắp sửa về. Và trong chương trình âm nhạc kỳ này, chúng tôi xin được cùng quí vị một lần nữa điểm lại sự ra đời của những ca khúc Giáng Sinh bất hủ tiêu biểu.

Silent Night

Silent Night, đây được xem là một trong những thánh ca lâu đời nhất, do một cha xứ người Áo viết năm 1817. Xác định sự ra đời của ca khúc này là cả một sự tranh cãi kéo dài… mãi cho đến năm 1995, khi người ta tìm được bản chép tay của bài nhạc thì tác giả mới chính thức được công nhận, đó là linh mục nghèo mang tên Joseph Morh với phần soạn nhạc của một thầy giáo trường làng Franz Gruber.

Hơn 40 năm sau đó, 1895 ca khúc này được linh mục John Young dịch sang tiếng Anh và bài hát nhanh chóng đến với công chúng, nhất là trong kỳ Đệ Nhất Thế Chiến, quân đội của cả 2 bờ chiến tuyến Anh và Đức đều có thể hát được theo 2 ngôn ngữ riêng.

Người ta nói rằng, những giai điệu thiêng liêng, trong trẻo ngân vang như tiếng thở đêm đã phần nào xoa dịu nỗi đau thể xác của binh lính khi đó… Giờ đây, gần 200 năm sau, Silent Night đã được dịch ra hơn 140 thứ tiếng và bản gốc đã được tổ chức UNESCO công nhận là kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể nhân loại vào năm 2011.

Quý vị có thể đọc thêm chi tiết bằng cách vào đường link của trang nhà RFA dưới đây:

http://www.rfa.org/vietnamese/programs/MusicForWeekend/hist-famo-christ-song-12142014051217.html
Nếu quý vị bên VN, không thể vào được, xin quý vị vào địa chỉ “chauatudo.info”, hoặc “achautudo.info” rồi nhập đường link trang web của ban việt ngữ vào.

Những bản nhạc mùa đông nổi tiếng

Vậy là một mùa đông nữa lại về, và trong tiết trời lạnh lẽo, Vũ Hoàng chắc hẳn sẽ không có gì thú vị hơn là ngồi trong nhà ấm cúng, thưởng thức một ly trà hay cà phê nghi ngút khói và thả hồn mình vào những bản nhạc tình mùa đông nổi tiếng, phải không thưa quý vị?

Năm ngoái, Hoa Kỳ vừa trải qua một mùa đông thật tệ hại và người ta dự đoán là năm nay, mùa đông ở xứ sở Cờ Hoa có lẽ còn lạnh hơn nhiều…

Nhạc phẩm nổi tiếng Đêm Đông của nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương qua tiếng hát danh ca Bạch Yến, bà là người đầu tiên thể hiện ca khúc nổi tiếng này theo điệu slow rock. Nhắc đến những bản tình ca viết về mùa đông mà không nói đến Đêm Đông thì chắc chắn là thiếu sót. Bài hát kinh điển Đêm Đông được nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương sáng tác năm 1939… tài liệu ghi rằng hồi đó do kẹt tiền nên nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương còn là học sinh, không thể về quê ăn Tết với gia đình, mà Hà Nội năm đó lại rất rét, thấu cảnh cô đơn trong đêm tối, ông chợt nảy ra ý định tìm những người cùng cảnh ngộ với mình… Và khi đi qua phố Khâm Thiên, nơi từng nổi tiếng là phố ả đào, ông muốn xem có ca nhi nào vì kế sinh nhai mà phải ở lại đêm giao thừa nơi đất khách và thế nên nhưng câu chữ như “ca nhi đối gương ôm sầu riêng bóng” ra đời, còn “thi nhân lắng nghe tâm hồn tương tư” hoặc “cô lữ đêm đông không nhà” là ông viết cho chính bản thân ông.

Nói đến mùa đông là nói đến cái lạnh, cái rét… cảnh vật như buồn hơn, lòng người như trùng xuống… đột nhiên sự cô đơn, rét mướt bao vây… ở đó là những cơn gió run rẩy, khô cứng, bầu trời ảm đạm, xám xịt… Có lẽ những hình ảnh trên là điều dễ tìm thấy trong những bản nhạc viết về mùa đông… Mùa đông khiến người ta dễ có cảm giác nao lòng, bước chân ra đi chỉ muốn được quay về tìm một hơi ấm. Hình như nói đến mùa đông cũng đồng nghĩa tự sự với nỗi buồn, một nỗi buồn vu vơ không gọi thành tên… và nếu chẳng may một cuộc tình nào đó tan vỡ, kẻ ra đi, người ở lại thì chắc chắn nỗi buồn sẽ nhân lên gấp nhiều lần khi trời đất vào đông… Đó cũng là nội dung bản nhạc của Mùa Đông Sắp Đến Trong Thành Phố của Đức Huy.

Quý vị có thể đọc thêm chi tiết bằng cách vào đường link của trang nhà RFA dưới đây:

http://www.rfa.org/vietnamese/programs/MusicForWeekend/songs-for-winter-12012014054802.html
Nếu quý vị bên VN, không thể vào được, xin quý vị vào địa chỉ “chauatudo.info”, hoặc “achautudo.info” rồi nhập đường link trang web của ban việt ngữ vào.

Khúc nhạc tri ân

Ngày Lễ Tạ Ơn truyền thống của người Hoa Kỳ đã đến, một ngày lễ với những ý nghĩa to lớn nói về sự biết ơn của người dân Hoa Kỳ về nguồn gốc tổ tiên được cưu mang, cứu giúp trong những ngày đầu tiên đặt chân đến mảnh đất tự do.

Giờ đây, lễ Tạ Ơn vẫn giữ nguyên ý nghĩa tốt đẹp đó, nhưng việc tạ ơn đã mở rộng hơn sang mọi mặt của đời sống con người. Đó là sự trân trọng đấng sinh thành, sự tôn kính đến bậc Tạo Hóa, lòng tri ân đến mọi điều tốt lành mà con người ta được thụ hưởng… Hãy cho đi nhiều hơn những gì mình nhận được!

Và hôm nay, trong chương trình âm nhạc đặc biệt kỳ này, chúng tôi – những thành viên của ban Việt Ngữ đài Á Châu Tự Do xin được mượn làn sóng gửi lời tạ ơn đến tất cả những gì mình đang được tận hưởng.

Nguyên Lam: Tạ ơn ai vì cái gì trong đời mình? Để trả lời câu hỏi này có lẽ chẳng ngôn từ hay giấy bút nào có thể diễn đạt được hết.

Thôi thì, xin được tạ ơn trên vì mỗi ngày qua đi và mỗi ngày mới đến, mình lại vẫn có thể mỉm cười , có thể khóc, có thể vui, có thể buồn với gia đình, với bạn bè, với đồng nghiệp… và với cả tất cả mọi người.

Thôi thì, xin được tạ ơn trên vì mỗi ngày qua đi và mỗi ngày mới đến, mình lại vẫn có thể sống, làm việc với tâm thế của một con người tự do đích thực-về cả thể xác lẫn tâm hồn.

Và xin được tạ ơn trên vì mình đã, đang và sẽ có một cuộc đời đầy thử thách nhưng không hề thiếu sự san sẻ,chở che, bảo bọc và yêu thương!

Quý vị có thể đọc thêm chi tiết bằng cách vào đường link của trang nhà RFA dưới đây:

http://www.rfa.org/vietnamese/programs/MusicForWeekend/thanksgv-songs-11232014063310.html
Nếu quý vị bên VN, không thể vào được, xin quý vị vào địa chỉ “chauatudo.info”, hoặc “achautudo.info” rồi nhập đường link trang web của ban việt ngữ vào.

Nhạc mừng ngày nhà giáo 20 tháng 11

Ngày 20/11 – Ngày Nhà Giáo Việt Nam đã đến, và trong chương trình âm nhạc kỳ này, chúng tôi lại một lần nữa đến với những bản nhạc ngợi ca những người thày, người cô đang ngày đêm mang kiến thức đến cho đời.

Công Cha Nghĩa Mẹ Ơn Thầy, đạo lý của người Việt từ xưa đã đặt nặng công sức của người thày ngang bằng với ơn nghĩa của cha mẹ… Cha mẹ cho ta cuộc sống, thày cô mang lại cho ta kiến thức…

Cơm cha, áo mẹ, chữ thày
Gắng công mà học có ngày thành công

Thầy cô là những người vẫn ngày đêm đưa những chuyến đò qua sông tới bến bờ tri thức, là những người luôn theo sát từng bước đi của biết bao thế hệ học trò… thày cô đã dạy chúng ta biết quan tâm đến những người xung quanh, biết không làm ngơ trước những mảnh đời bất hạnh… dạy chúng ta biết lắng nghe, biết lên tiếng và im lặng… Thày cô không chỉ mang đến con chữ, kiến thức sách vở hàng ngày mà còn là người truyền cảm hứng và tạo dựng cho ta hành trang quý giá để bước vào cuộc đời.

Dòng sông sâu, con sào dài đo được
Lòng người đưa đò ai biết được sự bao la

Sự yêu thương dạy dỗ chỉ bảo của thày cô như nước sông cứ chảy… người cho đi mà không bao giờ đòi trả… người chỉ mong thấy những đứa trò khôn lớn là mãn nguyện hạnh phúc lắm rồi. Mấy ai trở lại bến sông xưa? Chỉ những người đưa đò thì vẫn âm thầm ở lại bến cũ, để miệt mài đưa khách qua sông và gửi gắm biết bao kỳ vọng vào bước chân những người khách trẻ…

Quý vị có thể đọc thêm chi tiết bằng cách vào đường link của trang nhà RFA dưới đây:

http://www.rfa.org/vietnamese/programs/MusicForWeekend/music-teach-apprecia-11162014101010.html
Nếu quý vị bên VN, không thể vào được, xin quý vị vào địa chỉ “chauatudo.info”, hoặc “achautudo.info” rồi nhập đường link trang web của ban việt ngữ vào.

Nhạc cụ dân tộc (phần 2)

Trong một chương trình âm nhạc trước đây, chúng tôi mới điểm qua một số loại nhạc cụ dân tộc tiêu biểu như đàn bầu, đàn nguyệt, đàn nhị… và trong chương trình âm nhạc kỳ này, chúng tôi mời quí vị cùng tiếp tục đến với một số nhạc cụ dân tộc tiêu biểu khác.

Đàn T’rưng

Tiếng đàn T’rưng quen thuộc của núi rừng Tây Nguyên. Nói đến kho tàng âm nhạc của Tây Nguyên, người Việt Nam không thể không nhắc tới tiếng đàn mạnh mẽ, tươi vui, hùng vĩ như tiếng suối reo từ đại ngàn vọng về. Đàn T’rưng phổ biến ở một số dân tộc như của người Gia Rai, Ê đê, Ba na… lúc trước, đàn T’rưng chỉ có 4 hoặc 5 ống nhưng về sau, số ống tăng dần lên và được liên kết với nhau thành dàn thông qua 2 sợi dây buộc ở 2 đầu. Hiện tại, đàn thường có từ 12 đến 15 ống. Khi biểu diễn, đàn được treo lên theo kiểu mắc võng và người nghệ sĩ dùng dùi để gõ.

Đàn T’rưng được chế tác từ những ống nứa vót một đầu, chặt theo những độ dài khác nhau để tạo nên những âm vực ưng ý. Những ống to và dài phát ra âm trầm, còn những ống nhỏ và ngắn có âm cao. Âm sắc của đàn T’rưng hơi đục, tiếng không vang to, vang xa nhưng rất đặc biệt vì như có cảm giác của tiếng suối róc rách, tiếng thác đổ hay tiếng xào xạc của rừng tre nứa khi gió thổi qua.

Quý vị có thể đọc thêm chi tiết bằng cách vào đường link của trang nhà RFA dưới đây:

http://www.rfa.org/vietnamese/programs/MusicForWeekend/ethni-vn-instrumentals-11092014073142.html
Nếu quý vị bên VN, không thể vào được, xin quý vị vào địa chỉ “chauatudo.info”, hoặc “achautudo.info” rồi nhập đường link trang web của ban việt ngữ vào.

Nhạc sĩ Tuấn Khanh chia sẻ về âm nhạc kiểm duyệt ở Việt Nam

Vũ Hoàng: Trước hết cám ơn nhạc sĩ Tuấn Khanh đã giúp chúng tôi thực hiện chương trình âm nhạc hôm nay.

N.S Tuấn Khanh nổi tiếng với dòng nhạc không kiểm duyệt của Chính phủ VN. Hôm nay, nhân buổi trò chuyện này, Vũ Hoàng được nhạc sĩ giới thiệu đến một số tác phẩm, đặc biệt ở đây là underground rap của nhạc trẻ Việt, nhạc sĩ Tuấn Khanh có thể nói đôi chút về sự không kiểm duyệt qua dòng nhạc này được không ạ?

N.S Tuấn Khanh: Chào anh Vũ Hoàng và chào quý thính giả đài ACTD, hôm nay tôi lại được hân hạnh trở lại vấn đề âm nhạc VN. Như anh vừa đề cập, nhạc rap là một trong những làn sóng mà tôi đang nói rằng có rất nhiều biểu hiện trong đất nước, tạm thời ở đây tôi nói về nhạc underground, tức là dòng nhạc mà tôi muốn giới thiệu đến quý vị những người trẻ, những nhạc sĩ trong nước, những người yêu văn học nghệ thuật, tạm thời nói riêng về âm nhạc là những người không muốn sống trong hệ thống kiểm duyệt đã chắt bóp đi tinh thần, con chữ, những suy nghĩ của mình. Tạm thời Tuấn Khanh nói đến dòng nhạc rap trước.

Như quý vị đã biết, nhạc rap ở Việt Nam khởi đầu, Chính phủ VN không thích. Chính phủ VN không thích vì nó được gọi là một sản phẩm lai căng từ phương Tây. Cách đây khoảng 10-20 năm khi nó bắt đầu khởi động xuất hiện, truyền hình và một số nơi không được phép phát đi những ca khúc như vậy. Nhưng với sự phát triển và yêu thích của khán thính giả trong nước, rốt cuộc nhạc rap vẫn có chỗ đứng nhất định. Tuy nhiên, trong gọng kèm kiểm duyệt nhạc rap, nhạc rap phải đi đến chỗ trình diễn những sự vui vẻ, tô hồng hay làm điều gì đó có ích cho bộ mặt văn hóa xã hội chủ nghĩa của lý tưởng cộng sản. Cho nên, trong tình trạng đó, nhạc rap mà xuất hiện trên truyền hình hay những hình thức khác thì nhạc rap trở thành một thứ giải trí đơn thuần và gần như nó không phản ánh được hết giá trị nhạc rap mà toàn thế giới đang đi tới.

Ở đây tôi muốn nói về nhạc rap underground, nó thú vị ở chỗ là tái hiện lại khung cảnh xã hội cách đây hàng chục năm khi mà nhạc sĩ Thôi Kiện của Trung Quốc mô tả hiện thực về đời sống và sự bế tắc, cũng như tâm trạng hoang mang của những người trẻ lớn lên trong một đất nước mà họ thực sự thấy lý tưởng xã hội chủ nghĩa hay lý tưởng cộng sản không là điều duy nhất mà họ chọn lựa, họ muốn chọn lựa những thứ khác nhiều hơn… thì những bài nhạc rap của giới trẻ underground dẫn tới tình trạng thú vị là nó diễn đạt được nhiều thứ.

Quý vị có thể đọc thêm chi tiết bằng cách vào đường link của trang nhà RFA dưới đây:

http://www.rfa.org/vietnamese/programs/MusicForWeekend/censored-music-in-vn-11022014072839.html
Nếu quý vị bên VN, không thể vào được, xin quý vị vào địa chỉ “chauatudo.info”, hoặc “achautudo.info” rồi nhập đường link trang web của ban việt ngữ vào.